Doanh nghiệp Việt phá giá, giành đơn xuất khẩu gạo?
Việc một số doanh nghiệp (DN) Việt trúng thầu xuất khẩu gạo với khối lượng lớn là tin vui đối với ngành gạo. Tuy nhiên, mức giá mà các DN đưa ra lại thấp nhất trong số DN các nước tham gia đấu thầu. Liệu có tình trạng DN Việt phá giá để trúng thầu?
DN Việt trúng thầu giá thấp nhất
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố thông tin nhập khẩu gạo tháng 5 của nước này. Kết quả cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các DN Việt Nam. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu (giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn).
Công ty Thuận Minh (trúng thầu 30.000 tấn), là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các DN dự thầu (chỉ 564,5 USD/tấn). Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.
Trong khi đó, khối lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các DN sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. DN giảm giá gạo nhiều nhất so với giá chào thầu cũng chỉ 4 USD/tấn. Đối thủ xuất gạo lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan có mức giá chào thầu thấp nhất là 649 USD/tấn. Trong đó, hai DN Thái khác lần lượt có giá chào thầu là 656,5 và 658,5 USD/tấn.
Đây không phải lần đầu DN gạo Việt Nam chào giá thấp nhất trong số các DN nước ngoài tham gia. Vào đầu năm nay, Bulog mở cuộc đấu thầu quốc tế để mua gạo với khối lượng lên tới 500.000 tấn loại 5% tấm. Các DN Việt trúng 2/3 gói thầu nhờ lợi thế về giá. Giá thầu mà các DN Việt Nam đưa ra cao nhất đợt này là 660 USD/tấn (C&F - tính cả phí vận chuyển), mức thấp nhất 653 USD/tấn. Trong số nửa triệu tấn gạo này, DN Việt Nam trúng thầu tới khoảng 301.100 tấn; các công ty trúng thầu gồm: Cty Cổ Phần Dịch Vụ Quốc Tế Gia Corp, Cty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (KiGiMex), Cty Cổ phần thực phẩm thiên nhiên King Green, Tập đoàn Lộc Trời, Cty TNHH Phát Tài, VinaFood 1, VinaFood 2...
Rủi ro từ DN chỉ gom lúa…rồi bán
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia về lúa gạo cho rằng, cần phải làm rõ đối với những DN trúng thầu trên, DN nào thuộc dạng thương mại (tức chỉ thu gom lúa của nông dân rồi xuất bán); DN nào mang tính sản xuất, có vùng nguyên liệu riêng.
Theo vị này, hiện tại trên thị trường lúa gạo Việt Nam, các DN mang tính thương mại rất nhiều vì phần lớn không chịu đầu tư và có thói quen “ăn xổi”. Với những DN này, thường có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để cung cấp. Do đó, khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh, các DN thường trở tay không kịp.
Chưa kể, mức giá trên đã bao gồm phí vận chuyển nên trong bối cảnh biến động cước phí, hoặc thu gom không kịp, các DN buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng, hoặc bị phạt hợp đồng dẫn tới thua lỗ.
“Gạo là ngành có biên lợi nhuận mỏng, vừa chịu biến động lớn từ môi trường quốc tế. Do đó, những DN chỉ đơn thuần thu gom lúa rồi xuất khẩu mà bất chấp giá để ký hợp đồng rất dễ rủi ro. Khi DN xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thu mua lúa của nông dân”, vị này cho hay. GS Võ Tòng Xuân đánh giá, Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu gạo; với nhiều loại ngon để xuất khẩu như gạo thơm, gạo ST24, ST25, được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng.
Giá gạo xuất khẩu loại gạo trắng 5% tấm mà DN đưa ra 563 USD/tấn vẫn có lợi nhuận, vì hiện nay giá gạo Việt Nam đang ở mức cao so với những năm trước đây. Còn nếu loại gạo thơm DN đưa ra mức giá đó mới gọi là quá thấp, có dấu hiệu bán phá giá.
Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, để minh bạch giá gạo xuất khẩu, Việt Nam cần thiết phải lập sàn giao dịch (gạo) nhằm hài hòa lợi ích nông dân, DN và các bên liên quan. Cùng với đó, các bộ, ngành cần phân loại rõ các nhóm gạo, loại gạo xuất khẩu, từ đó có thể phát triển thương hiệu gạo quốc gia, và rạch ròi về chất lượng, giá cả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận