Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với sóng gió: Bài toán sinh tồn 2025
Tháng 11/2024 khép lại với bức tranh kinh doanh đầy biến động: hơn 4.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 7.550 doanh nghiệp ngừng chờ giải thể và 1.910 doanh nghiệp chính thức rời khỏi thị trường.
Những con số này không chỉ là những dữ liệu khô khan mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh về sức khỏe thực sự của nền kinh tế. Đằng sau đó là những nguyên nhân sâu xa, từ năng lực quản trị yếu kém, khó khăn tiếp cận vốn đến sự chững lại của thị trường nội địa và những áp lực từ kinh tế toàn cầu.
Những con số đáng lo ngại
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 11/2024 chứng kiến 4.243 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 22,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. 7.550 doanh nghiệp khác ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng tới 39,2% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng là 1.910, giảm nhẹ 3,9% so với tháng trước nhưng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, hơn 96.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. 57.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 0,9%, trong khi 19.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng đáng kể 19,8%. Trung bình mỗi tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hơn 90% số doanh nghiệp rút lui là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Đây là nhóm đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế nhưng cũng dễ tổn thương nhất trước biến động.
Nguyên nhân sâu xa: Khi “mạch máu” kinh tế bị bóp nghẹt
Thị trường nội địa chững lại chính là điểm nghẽn của tăng trưởng. Sức tiêu dùng của thị trường nội địa – nguồn sống chính của DNNVV – đang ở mức rất thấp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt mức tương đương năm 2023 và vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch (2015-2019). Khảo sát của Tổng cục Thống kê tháng 9/2024 cho thấy hơn 50% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ nội địa, phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong khi đó, thương mại điện tử xuyên biên giới đang chiếm lĩnh thị trường với ưu thế vượt trội về giá cả, tốc độ giao hàng và chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nội địa, vốn chậm đổi mới và thiếu sự linh hoạt, đang dần mất thị phần ngay trên “sân nhà”.
Năng lực quản trị yếu kém: “Gót chân Achilles” của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hơn 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2024 là DNNVV. Đây là nhóm doanh nghiệp có năng lực quản trị yếu, dễ bị tổn thương khi thị trường biến động. Những điểm yếu của nhóm này bao gồm: Hạn chế trong dự báo thị trường: Các doanh nghiệp không theo dõi sát sao xu hướng tiêu dùng, không đánh giá được những thay đổi trong hành vi khách hàng và đối thủ cạnh tranh; Thiếu tư duy chiến lược: Phần lớn doanh nghiệp vận hành theo kiểu ngắn hạn, thiếu kế hoạch phát triển dài hơi và chiến lược thích ứng; Quản trị nhân sự yếu: Không xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng, khó giữ chân nhân tài và không nâng cao năng suất lao động; Chậm chuyển đổi công nghệ: Nhiều doanh nghiệp chưa ứng dụng AI, IoT hoặc các công nghệ sản xuất hiện đại, khiến chi phí cao và năng suất thấp. Khi các thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách thuế các-bon và tiêu chuẩn xanh, các doanh nghiệp Việt Nam bị tụt hậu, không đáp ứng kịp yêu cầu.
Tài chính và tín dụng: Khát vốn giữa mùa khô
Việc tiếp cận vốn vay vẫn là bài toán lớn. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện tài sản đảm bảo, trong khi tiêu chuẩn tín dụng ngày càng khắt khe. Các gói hỗ trợ tài chính tuy được chính phủ triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả trong việc giải quyết khó khăn cấp bách.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, áp lực đáo hạn trái phiếu đang đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều dự án lớn bị đình trệ do thiếu vốn, gây lãng phí nguồn lực xã hội và gia tăng bất ổn kinh tế.
Áp lực quốc tế: Rào cản từ những biến động toàn cầu
Kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn bất ổn với nhiều biến động khó lường. Xung đột tại Trung Đông và Ukraine - những căng thẳng này khiến chi phí logistics tăng cao và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nước phát triển đang áp dụng hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp quy trình sản xuất. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào công nghệ xanh là thách thức lớn đối với các DNNVV.
Chi phí thương mại gia tăng: Các rào cản kỹ thuật và chi phí vận tải cao đang làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.
Những nguy cơ tiềm ẩn trong năm 2025
Nếu không có các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2025. Trung bình, 15.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng là lời cảnh báo rõ ràng về sức ép tồn tại đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự tụt hậu trong công nghệ, hạn chế về năng lực quản trị và khó khăn tài chính sẽ tiếp tục khiến nhóm doanh nghiệp này mất khả năng cạnh tranh. Chỉ khi nào DNNVV thay đổi tư duy quản trị và mạnh dạn chuyển đổi số, họ mới có thể trụ vững.
Ngoài ra, thuế các-bon và tiêu chuẩn xanh sẽ là bài toán sống còn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nhiều doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giải pháp sống còn
Tăng sức mua nội địa bằng kích cầu tiêu dùng: Chính phủ cần giảm thuế VAT, tăng các chương trình hỗ trợ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất nội địa. Hỗ trợ DNNVV phát triển thị trường ngách thông qua việc tập trung vào các phân khúc ít cạnh tranh hơn như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm hữu cơ.
Nâng cao năng lực quản trị bằng cách đào tạo doanh nghiệp về dự báo thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn và quản trị nhân sự chuyên nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh linh hoạt hơn, thích nghi với các xu hướng mới.
Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới như AI, IoT; Xây dựng các nền tảng công nghệ chung, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, giải quyết vấn đề vốn từ việc giảm rào cản tín dụng. Đơn giản hóa quy trình vay vốn, mở rộng các gói tín dụng ưu đãi cho DNNVV. Đồng thời phát triển thị trường vốn phi tín dụng, đẩy mạnh các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Phá thế bế tắc để vươn lên
Dữ liệu từ năm 2024 đã vẽ lên một bức tranh rõ ràng: doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ nội tại yếu kém đến sức ép từ thị trường và kinh tế toàn cầu. Để giảm thiểu số lượng doanh nghiệp rút lui, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ, ngân hàng và chính các doanh nghiệp. Thay đổi tư duy quản trị, chuyển đổi số mạnh mẽ và thúc đẩy thị trường nội địa sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn mình trong năm 2025. Đây không chỉ là bài toán sinh tồn mà còn là cơ hội để định hình một nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi
Bài đăng trên tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường