Doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát gần 3.000 tỉ đồng không được trả lại tiền cọc
Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, theo quy định, nếu doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát gần 3.000 tỉ đồng ở An Giang gây xôn xao dư luận sẽ không được hoàn tiền đặt trước, có thể bị cấm tham gia đấu giá 1 năm.
Chiều 22.10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, cho biết cơ quan này đã nhận được phản ánh về việc doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát với giá gần 3.000 tỉ đồng nhưng đang muốn xin lại tiền cọc nếu tỉnh An Giang không cho giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trả lời về trường hợp này, bà Mai cho biết, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát gần 3.000 tỉ đồng ở An Giang sẽ không được hoàn trả lại tiền đặt trước và có thể bị cấm tham gia đấu giá 1 năm.
Theo bà Mai, đây là cuộc đấu giá công khai đã hoàn thành và chuyển sang trách nhiệm của người có tài sản là UBND tỉnh An Giang. Giá khởi điểm của mỏ cát chỉ là 7,2 tỉ đồng nhưng qua cuộc đấu giá đã đẩy lên mức gần 3.000 tỉ đồng. Mức này rất cao, đến gần 390 lần so với giá khởi điểm, mang lại nguồn thu tốt cho ngân sách.
Bà Mai cho biết, theo Bộ luật Dân sự quy định rất rõ về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quy định về việc không trả lại tiền đặt trước nếu tổ chức trúng đấu giá không thực hiện quyền khai thác khoáng sản và quyền cấp phép thăm dò. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 22/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Do vậy, nếu bỏ kết quả trúng thầu, doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 6 Nghị định số 22/2012 của Chính phủ.
Bà Mai cũng cho hay, theo quy định pháp luật, doanh nghiệp trúng đấu giá này sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát này theo quy định tại khoản 3, điều 8 Nghị định số 22/2012 của Chính phủ. Vấn đề hiện nay là UBND tỉnh An Giang xử lý ra sao cho đúng quy định.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, vụ việc doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát với mức giá gần 3.000 tỉ đồng ở An Giang từng gây xôn xao dư luận. Nếu không thực hiện nghiêm theo quy định có thể trở thành tiền lệ tham gia đấu giá nhiều lần, rồi huỷ kết quả sẽ dẫn tới việc đấu giá không thành công, có thể phải bán tài sản với giá khởi điểm, không có sự cạnh tranh minh bạch, nguy cơ thất thoát tài sản.
“Tại Chỉ thị 40 của Thủ tướng, Bộ Tư pháp cũng đề xuất rà soát quy định pháp luật, để đưa nó về đúng giá trị thực, bán thấp quá hoặc doanh nghiệp trả giá cao, rồi sau đó bỏ cọc, sau nhiều lần sẽ phải chỉ định để gây thất thoát. Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị, đưa ra xác định tài sản đấu giá UBND các cấp, phải thuê tổ chức định giá, xác định đúng giá trị tài sản mới bán được đúng theo nhu cầu của người tham gia đấu giá, tránh đấu giá dưới mức thị trường hoặc đẩy lên cao quá dẫn tới chuyện như ở An Giang”, bà Mai nói.
Như Thanh Niên đã thông tin, trong buổi đấu giá quyền khai thác mỏ cát có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới) do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức vào tháng 3.2021, Công ty T-S.Home đã vượt qua 18 doanh nghiệp khác trúng quyền khai thác mỏ cát này với giá gần 2.812 tỉ đồng, cao gấp 390 lần so với giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng đề xuất ban đầu. Một công ty khác tại TP.HCM đấu giá 2.744 tỉ đồng, thấp liền kề. Trong văn bản đề nghị hủy kết quả trúng đấu giá, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT An Giang, thông tin trong 2 ngày 5.8 và 31.8, Sở TN-MT An Giang phối hợp Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản An Giang 2 lần gửi thông báo đến Công ty T-S.Home về việc nộp số tiền 140,55 tỉ đồng lần đầu trước khi tỉnh này cấp phép quyền khai thác. Cụ thể, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá thì Công ty T-S.Home phải nộp 50 tỉ đồng và trước khi tỉnh An Giang cấp giấy phép khai thác mỏ cát, đơn vị này phải nộp tiếp 90,55 tỉ đồng. Số tiền còn lại công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm tạm tính 667,8 tỉ đồng. Sở TN-MT An Giang đề nghị Công ty T-S.Home có văn bản phản hồi để trình UBND tỉnh này ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Nếu công ty không đồng ý nộp 140,55 tỉ đồng trước khi cấp phép khai thác mỏ cát thì đơn vị sẽ đề xuất tỉnh An Giang hủy kết quả đấu giá. Tỉnh này sẽ hoàn trả lại số tiền gần 748 triệu đồng tiền đặt cọc cho công ty, sau khi trừ lại 330 triệu đồng phí tổ chức đấu giá cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang. Đến ngày 5.10, ông Hồ Quang Thái Dũng, Giám đốc Công ty T-S.Home, ký văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và Sở TN-MT An Giang cho rằng đơn vị không thống nhất với phương án nộp tiền trúng đấu giá 140,55 tỉ đồng trước khi cấp phép khai thác khoáng sản theo đề nghị của Sở TN-MT An Giang. Đồng thời, đề xuất tỉnh chấp thuận cho công ty chỉ nộp tiền trúng đấu giá lần đầu 50 tỉ đồng trước khi cấp phép khai thác và nộp 90,55 tỉ đồng trong năm đầu tiên khai thác. Nếu không chấp nhận thì hoàn trả lại công ty số tiền đặt cọc sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá mỏ cát. Ông Trần Anh Thư cho biết: “UBND tỉnh đã nhận được tờ trình của Sở TN-MT về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông tại xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới. Tỉnh đã giao Sở Tư pháp là chủ quản của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản An Giang có ý kiến thẩm tra, đề xuất lãnh đạo tỉnh quyết định”. Đến chiều 21.10, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết UBND tỉnh đã nhận tờ trình của Sở TN-MT An Giang đề nghị hủy kết quả trúng đấu giá gần 2.812 tỉ đồng quyền khai thác mỏ cát ở H.Chợ Mới của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home (Công ty T-S.Home, trụ sở P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM), do đơn vị này không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận