Doanh nghiệp tìm cơ hội cạnh tranh từ công nghệ in ấn bao bì mới
Từ 18 quốc gia và khu vực, 375 doanh nghiệp bao gồm Việt Nam đã tìm cơ hội đột phá từ công nghệ, giải pháp in ấn và bao bì.
Đây là hoạt động triển lãm chuyên ngành lần thứ 19 của ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (Vietnam PrintPack), diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm và Sài Gòn (SECC).
Hàng loạt sản phẩm công nghệ in ấn và đóng gói bao bì mới nhất được các doanh nghiệp từ những quốc gia đầu ngành và phát triển lẫn các thị trường mới nổi trưng bày, với 600 gian hàng. Ban Tổ chức cho biết sự kiện trong 4 ngày từ 16-19/10 dự kiến thu hàng ngàn lượt khách trực tiếp là các doanh nghiệp tham quan và trao đổi, tìm kiếm các giải pháp, công nghệ phù hợp cho doanh nghiệp mình.
Ghi nhận cho thấy đa phần các gian hàng quốc tế đều giới thiệu những sản phẩm cốt lõi theo công nghệ tiên tiến trong ngành như máy cán, máy dán giấy, máy in nhãn, máy làm hộp, máy sản xuất bìa cứng, máy đóng sách, máy in offset, máy dập nổi và nhiều sản phẩm khác.
In ấn và đóng gói bao bì là một trong những ngành hỗ trợ quan trọng đối với ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam. Cũng theo đánh giá từ Ban tổ chức và nhà thực hiện hội chợ triển lãm Yorkers, trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ này của Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số từ 15-20%. Đáng chú ý, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thực phẩm tiêu dùng – ngành đang có lợi thế ở tại Việt Nam với dân số đông và trẻ, thu nhập cao, sức mua tăng mạnh – cũng dẫn đến cơ hội cho ngành in ấn, đóng gói bao bì hỗ trợ cho các nhóm sản xuất thương mại thực phẩm. Theo thống kê, tính riêng ngành bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm.
Điều đó dẫn đến cuộc chạy đua ngày càng căng thẳng về mẫu mã, bao bì sản phẩm, phục vụ cho việc làm thương hiệu, nhãn hàng, cạnh tranh thị phần của các doanh nghiệp trong mỗi ngành hàng. Thay cho những năm trước đây khi nhiều doanh nghiệp nhỏ đuối sức trong cuộc đua vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu thế trong cuộc chạy đua kỹ thuật, máy móc công nghệ cao..., các hội chợ, triển lãm trực tiếp tại nội địa giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhanh nhất và tìm được các đối tác phù hợp để xây dựng chuỗi cung ứng, giảm chi phí đi lại và tìm kiếm công nghệ, sản phẩm mới.
Euromonitor trong một nghiên cứu ngành nêu rõ nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam trong năm 2015 chỉ dừng ở 3,915 triệu tấn, nhưng đà này vẫn đang tăng và vào năm 2020 sẽ là 5,396 triệu tấn – Theo đó, mức tăng trưởng đạt tới 38%, trong khi nhu cầu của toàn thế giới trong giai đoạn 2015 - 2020 chỉ tăng 13%.
Tại triển lãm Vietnam PrintPack, CEO 1 doanh nghiệp thực phẩm không muốn nêu tên cũng cho biết thực tế, bản thân chị chịu áp lực kinh doanh trong việc ra mắt nhãn hàng và thiết kế bao bì mẫu mã rất lớn. Đối với thị trường Việt Nam, chẳng hạn như đối với ngành F&B, một doanh nghiệp có thể có đến vài chục nhãn hàng là rất bình thường. Mỗi năm, đặc biệt đến quý III hàng năm mà doanh nghiệp không ra sản phẩm mới, có khi thị trường lại…quên. Do đó, chị cũng phải đi khảo sát, tìm kiếm, thậm chí học tập cách thiết kế, in ấn, đóng gói bao bì cập nhật mỗi năm.
“Chưa có thống kê nào chính thức về chi phí đóng gói bao bì trong tổng chi phí ra sản phẩm của một nhãn hàng tiêu dùng, nhưng thực tiễn kinh doanh của chúng tôi cho thấy càng cập nhật công nghệ mới, chi phí đóng gói bao gì của doanh nghiệp càng có thể tiết giảm. Dĩ nhiên phải đi cùng là công suất sản xuất cao và sản lượng tiêu thụ lớn”, nữ CEO tiết lộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận