24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp thủy sản hạ triển vọng kinh doanh năm 2020

Chắc giờ các doanh nghiệp thủy sản chỉ mong sớm "thoát lỗ" trong năm 2020.

Đại dịch Covid-19 đầu năm 2020 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Các đơn hàng xuất nhập khẩu liên tục bị hủy gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản. Đứng trước tình thế đó, rất nhiều doanh nghiệp đã đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 đi lùi so với năm trước.

Kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản năm 2020. Đvt: Tỷ đồng

Doanh nghiệp thủy sản hạ triển vọng kinh doanh năm 2020
(*)Niên độ tài chính 01/10-30/09, (**)Lợi nhuận sau thuế, (***) Doanh thu thuần

Từ kế hoạch giảm…

Xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa (UPCoM: KSE) lên kế hoạch lãi sau thuế 2020 giảm mạnh 83% so với kết quả năm trước, xuống chỉ còn 1.2 tỷ đồng. KSE đưa ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 60 tỷ đồng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2 triệu USD.

Cũng gặp khó khăn trong đầu ra, kế hoạch lãi sau thuế 2020 của Nam Việt (HOSE: ANV) giảm mạnh 72%, được kỳ vọng ở mức 200 tỷ đồng.

Theo ANV, từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Châu Âu, Châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho việc xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm một nửa so với cùng kỳ và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát .

Doanh nghiệp thủy sản hạ triển vọng kinh doanh năm 2020

Mặt khác, do rào cản kinh tế - kỹ thuật ngày càng khắt khe với sản phẩm cá tra Việt Nam và gia tăng cạnh tranh trong khu vực, cùng với giá bán ngày càng có xu hướng giảm, Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) lên kế hoạch lãi trước thuế 2020 giảm 40% (6 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2019 và kế hoạch tổng doanh thu đi ngang (220 tỷ đồng).

Ông lớn Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lùi, cho cả 2 kịch bản “cao” và “thấp”. Với kế hoạch “thấp”, doanh thu và lãi sau thuế 2020 của VHC giảm lần lượt 18% (6,450 tỷ đồng) và giảm 68% (800 tỷ đồng) so với kết quả 2019. Kế hoạch “cao” cũng không khá hơn bao nhiêu khi lãi sau thuế giảm 9% (1,063 tỷ đồng) và doanh thu chỉ tăng 9% (8,600 tỷ đồng).

Doanh nghiệp thủy sản hạ triển vọng kinh doanh năm 2020

…đến chỉ mong thoát lỗ

Mặc dù thua lỗ trong năm 2019, Hùng Vương (HOSE: HVG) vẫn mạnh tay đặt kế hoạch “khủng” cho năm 2020 với tổng doanh thu đạt 12,524 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm trước, và lãi sau thuế đạt 790 tỷ đồng. Được biết, đây là kế hoạch cao nhất từ trước đến nay của Công ty.

Nhìn lại những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HVG dường như chưa được như mong đợi, thậm chí có năm còn đi ngược chiều kế hoạch.

Kế hoạch và thực hiện lãi trước thuế của HVG qua các năm. Đvt: Tỷ đồng

Doanh nghiệp thủy sản hạ triển vọng kinh doanh năm 2020
Nguồn: VietstockFinance

Thế nhưng năm nay, kế hoạch của HVG không hẳn là không có cơ sở khi vừa ký Hợp tác chiến lược với CTCP Sản xuất Chế biến và Phân Phối Nông nghiệp Thadi - một đơn vị thuộc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco, OTC: THA). Theo đó, Thadi sẽ đổi lấy 35% cổ phần (hiện đã sở hữu 24.28% vốn HVG) và tham gia hỗ trợ HVG trong các hoạt động tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược. Đồng thời, Thadi cũng sẽ hỗ trợ HVG về những vấn đề khó khăn tài chính trong thời gian sắp tới.

Sau 3 năm lỗ liên tiếp từ 2017-2019 (2017 lỗ 164 tỷ đồng; 2018 lỗ 10 tỷ đồng; 2019 lỗ 5 tỷ đồng), năm nay, Ntaco (UPCoM: ATA) kỳ vọng thoát lỗ với mục tiêu lãi sau thuế 50 tỷ đồng.

Vừa mới bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE và chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/02/2020, Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCoM: AGF) đặt mục tiêu năm 2020 lãi trước thuế 22 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tục từ 2017-2019.

AGF dự kiến trong năm 2020 sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng thị phần trong nước và xuất khẩu, đưa ra thị trường các sản phẩm mới bù đắp cho sản phẩm fillet bị thu hẹp. Ngoài ra, Công ty sẽ sắp xếp, củng cố các vùng nuôi cá nguyên liệu theo hướng thu hẹp vùng nuôi, giúp giảm bớt sản lượng và nâng cao chất lượng, giá thành cá nuôi.

Không phải ai cũng bi quan

MPC tiếp tục lên kế hoạch lợi nhuận 2020 gấp 3 lần kết quả năm trước với 1,368 tỷ đồng lãi trước thuế. Ở các năm trước, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) luôn đặt kế hoạch cao nhưng nhiều năm liền không hoàn thành kế hoạch, liệu lịch sử có lặp lại một lần nữa?

Phía MPC cho rằng Công ty có cơ sở để lên kế hoạch cao như thế, khi đã vạch ra những hoạch định cho năm 2020 như tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng Dự án Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao nhằm để phát triển chuỗi giá trị tôm công suất trên 250,000 tấn thương phẩm/năm ở Kiên Giang. Đồng thời, MPC sẽ xây dựng sàn giao dịch tôm đầu tiên tại Việt Nam, nhằm xúc tiến thương mại và xây dựng nhà máy chế biến Minh Phú Thuận Yên với mô hình tự động hóa vào khâu sản xuất.

Doanh nghiệp thủy sản hạ triển vọng kinh doanh năm 2020

Không đưa ra con số cụ thể, Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) lên kế hoạch lãi trước thuế 2020 trong khoảng 240-250 tỷ đồng, tương đương tăng từ 4-9% so với kết quả năm trước. Trong khi đó, doanh số 2020 của FMC được mong đợi tăng trưởng 10%, đạt 176 triệu USD. Bên cạnh đó, mục tiêu sản lượng tôm chế biến và tôm tiêu thụ năm 2020 là 17,500 tấn (tăng 6.4%) và 16,000 tấn (tăng 6.7%).

Hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản qua cơn khủng hoảng

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.

Trước tình hình trên, Vasep kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu xem xét đề xuất với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT và các ban ngành liên quan để có gói các giải pháp hỗ trợ cụ thể liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, logistic trong phạm vi cảng biển, nhất là các doanh nghiệp thủy sản và hàng đông lạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thêm vào đó, Vasep kiến nghị giảm 50% phí cắm điện và các loại chi phí khác ở cảng biển. Ngoài ra, Vasep kính đề nghị Bộ trưởng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách: Hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5,000 pallet trở lên. Đồng thời, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả