Doanh nghiệp tham gia dự án PPP 'chờ được vạ má đã sưng'
Cục trưởng Đường cao tốc cho rằng luật hiện hành đã có cơ chế song thực tế doanh nghiệp tham gia dự án giao thông đối tác công tư chưa được chia sẻ rủi ro.
Tại hội thảo Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ngày 11/7, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, cho biết giai đoạn 2021-2030, dự án cao tốc trên cả nước cần khoảng một triệu tỷ đồng để đầu tư.
Tuy nhiên, chủ đầu tư và ngân hàng đánh giá dự án đường bộ đầu tư theo PPP chưa hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có cơ chế chia sẻ, song thực tế doanh nghiệp gặp rất nhiều rào cản.
"Chúng tôi thường nói chờ được vạ thì má đã sưng. Doanh thu giảm dưới 75% thì được xem xét để áp dụng hình thức chia sẻ từ nhà nước nhưng lại gắn điều kiện vô cùng khó. Trong khi doanh nghiệp cần sự chia sẻ ngay lập tức", ông Thành nêu.
Theo Cục trưởng Đường cao tốc, dự án hạ tầng giao thông tổng vốn lớn, trong khi thu hồi vốn chậm, tính bằng "đầu phương tiện". Hơn nữa, doanh thu có thể sụt giảm do nhiều yếu tố như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội không như dự báo.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, dự án PPP gặp nhiều vướng mắc về nguồn khi bù đắp sụt giảm doanh thu.
Điều 82 Luật Đầu tư tư theo phương thức đối tác công tư quy định doanh thu trên 125% so với dự tính, doanh nghiệp phải chia sẻ với nhà nước; hay doanh thu giảm xuống dưới 75%, Nhà nước sẽ phải thanh toán phần chênh lệch để đảm bảo doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế bù và nguồn như thế nào lại chưa có quy định cụ thể.
Nguồn dự phòng của địa phương rất thấp, phải ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cấp bách. Một số địa phương không đồng ý bố trí việc chia sẻ sụt giảm doanh thu của dự án PPP. Điều này gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư khi đàm phán với ngân hàng.
Trong khi đó, việc xử lý doanh thu giảm của dự án PPP không phải là nhiệm vụ cấp bách. Do đó, quy định sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để thanh toán chi phí phát sinh khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm trong các hợp đồng PPP theo quy định của luật là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP. Đối với dự án tại vùng miền khó khăn, đi qua khu vực có chi phí giải phóng mặt bằng lớn sẽ khó thu hút nhà đầu tư và tổ chức tín dụng vì thời gian thu hồi vốn lớn.
Về giải pháp, Cục trưởng Đường cao tốc kiến nghị lập Quỹ đầu tư theo phương thức PPP để có cơ chế xử lý ngay rủi ro. Nguồn tài chính lấy từ thu phí đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư. "Chúng tôi đề nghị trích lại 20-30% để dành cho quỹ PPP, dự án kết cấu hạ tầng nói chung chứ không chỉ giao thông. Nhà nước chỉ thu lại 70-80% sẽ hình thành quỹ", ông Thành nói.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế đề xuất trong trường hợp dự án đi qua địa bàn khó khăn, khu vực có nhu cầu giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng mức đầu tư, cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ tháng 1/2021 đến 11/2022, có 8 dự án PPP mới được thực hiện và 139 dự án PPP chuyển tiếp. Các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng 131.000 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 253 km đường cao tốc, hai cảng hàng không quốc tế, dự kiến huy động gần 58.600 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận