Doanh nghiệp nội soán ngôi thị trường bán lẻ
Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia vào thị trường bán lẻ khiến cán cân dần nghiêng về phía thương hiệu nội.
Ngoại rút lui, nội tăng tốc
Chỉ còn 3 tuần nữa, vào đầu tháng 7, Trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Mart Đống Đa lớn nhất tại Hà Nội của tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc sẽ chính thức đóng cửa. Dù không nêu lý do nhưng có thể là những động thái ban đầu mà nhà bán lẻ ngoại này đang dần thu hẹp kinh doanh tại Việt Nam sau 13 năm chính thức đặt chân vào thị trường nội địa. Trước đó, Lotte Mart từng công bố mục tiêu sẽ mở 60 TTTM trên cả nước vào năm 2020 nhưng đến nay chỉ dừng ở con số 15 và sắp tới chỉ còn 14 khi Lotte Mart Đống Đa ngừng hoạt động.
Cũng đầy bất ngờ không kém, siêu thị Emart vốn là thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam đã phải dừng lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) vào cuối tháng 5 vừa qua. Khi chính thức khai trương đại siêu thị Emart Gò Vấp (TP.HCM) vào cuối năm 2015, đại diện nhà bán lẻ Hàn Quốc này cũng cho hay sẽ nhanh chóng mở điểm bán thứ 2 và nhiều điểm khác nữa, nhưng rồi cũng vẫn chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất. Trước đó Auchan - một ông lớn bán lẻ đến từ Pháp giữa năm 2018, đã bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), kết thúc hành trình 4 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam trước đó. Tập đoàn bán lẻ Pháp lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam nhưng rồi cũng sớm từ bỏ cuộc chơi. Hay Parkson, tập đoàn bán lẻ cao cấp tại Malaysia, có mặt tại Việt Nam từ năm 2005 và đã phát triển được chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại nhiều thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng; nhưng từ năm 2015 đến nay đã lần lượt đóng cửa nhiều TTTM. Ngoài ra còn có thể kể đến như Metro (Đức), BigC (Pháp) đã rời đi và chuyển nhượng vào tay người khác.
Ngược lại, các thương hiệu nội âm thầm mở rộng và bành trướng nhanh chóng để đến nay hầu như chiếm lĩnh hoàn toàn trong mảng phân phối hiện đại. Đó là Vincom Retail của Tập đoàn Vingroup đang sở hữu hơn 80 TTTM trên toàn quốc dường như không có “đối thủ” trong phân khúc này. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ với hơn 2.500 điểm bán và đang tăng tốc với những cú bắt tay liên kết của The CrownX, đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+, trực thuộc Tập đoàn Masan với hàng loạt đối tác lớn. Mới nhất từ tháng 4 đến nay, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã rót 410 triệu USD vào The CrownX; nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) rót 400 triệu USD vào The CrownX. Không chỉ đẩy mạnh hệ thống cửa hàng trực tiếp, việc bắt tay với Alibaba sẽ giúp mảng bán lẻ này dễ dàng tiếp cận 20 triệu người dùng trên Lazada, trang thương mại điện tử có thị phần đáng kể tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đến cuối tháng 5, Masan tiếp tục công bố đầu tư vào Phúc Long để cùng tăng sức mạnh thương hiệu Việt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Hoặc như hệ thống Saigon Co.op cũng từng bước chuyển đổi mô hình, phát triển danh mục sản phẩm riêng, chuyên sâu vào hàng thực phẩm tươi sống chế biến sẵn và cũng phát triển các TTTM, đại siêu thị cùng các cửa hàng nhỏ tiện lợi Co.opFood, Co.op Smile... Saigon Co.op cũng đẩy nhanh mục tiêu đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Một hệ thống bán lẻ nội địa khác là Thế Giới Di Động vốn đã cùng FPT Retail thống lĩnh ngành công nghệ điện máy thì với việc xây dựng chuỗi Bách Hóa Xanh trong vài năm gần đây cũng vươn lên trong Top 3 nhà bán lẻ thực phẩm, tiêu dùng tại Việt Nam. Bách Hóa Xanh hiện có hơn 1.700 điểm bán tập trung tại TP.HCM và các tỉnh phía nam và sẽ phủ rộng mạng lưới trong thời gian tới ra toàn quốc.
Vẽ lại bản đồ bán lẻ
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, chuyên gia tư vấn nhiều thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) trong và ngoài nước, đánh giá loạt các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ trong nước gần đây khá giống những lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào những thập niên trước. Đó là sự rút lui của các tập đoàn bán lẻ ngoại ở các thị trường và nhường sân chơi cho nhà bán lẻ khác. Điểm khác biệt lớn nhất trong giai đoạn này ngành bán lẻ nội địa đã lớn mạnh hơn và có thể chủ động hơn. “Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, các công ty ngoại thường có chính sách thu hẹp thị trường để bảo toàn tài lực cho công ty mẹ; đặc biệt trong đại dịch Covid-19 này. Vào thập niên trước, ngành M&A của Việt Nam cũng đã phát triển nhưng chỉ mạnh đối với DN ngoại mua DN nội. Nhưng nay đã khác. Chẳng hạn với trường hợp chuỗi siêu thị BigC của Casino (Pháp) bán cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan cách đây vài năm nếu rơi vào đúng thời điểm này thì có thể cục diện sẽ khác. Một mặt DN nội đã mạnh lên về lực lẫn tài chính, một mặt họ mạnh dạn liên kết, tìm thấy điểm mạnh của nhau để cùng phát triển. DN nội nay đã mạnh hơn nhiều và cơ hội thâu tóm các công ty trong và ngoài nước trong ngành phân phối ngày càng nhiều hơn”, ông Robert Trần chia sẻ.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng bản đồ bán lẻ Việt Nam đã đến lúc được vẽ lại với việc DN trong nước làm chủ thị trường hoàn toàn với những tên tuổi như Masan, Saigon Co.op, Thế Giới Di Động… Đáng chú ý, các DN hàng đầu Việt Nam hiện nay đều chú trọng đến việc phát triển đa kênh, đồng thời tự phát triển từ sản xuất đến bán lẻ hoặc liên kết cùng nhau, đưa được sản phẩm thẳng từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng, giúp giá thành thấp hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn. “Giành được “trận địa” bán lẻ đã khó, giữ được nó càng khó hơn. Chỉ chiếm lĩnh được kênh phân phối bán lẻ, chúng ta mới chủ động đưa được nguồn hàng nội địa vào phân phối và ngành sản xuất mới thắng được”, ông Phú nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường