menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Duy Anh

Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh ra sao?

Doanh nghiệp vốn nhà nước có quy mô tài sản bình quân năm 2022 là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23% so với 2021.

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022. Báo cáo này phản ánh "sức khỏe" của 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước đến cuối 2022, trong đó 676 đơn vị có vốn Nhà nước từ 50%.

Nhận xét về kết quả năm ngoái, Chính phủ cho rằng, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chiếm 0,08% về số lượng trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp. Quy mô tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23%, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh ra sao?

Khoảng 9% doanh nghiệp nhà nước có lỗ phát sinh, tổng lỗ 29.456 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn lỗ lũy kế chiếm 21%, hơn 69.890 tỷ đồng. Chẳng hạn trong lĩnh vực hàng không, tại thời điểm 31/12/2022, công ty mẹ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) có hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn rất thấp, 0,23 lần. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, 35.075 tỷ đồng và khoản vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty mẹ là 10.326 tỷ đồng. Năm 2023, vận tải hàng không sôi động trở lại, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh tới tài chính của VNA rất nặng nề.

Tương tự, năm ngoái EVN lỗ gần 26.500 tỷ đồng trước thuế và sau thuế gần 20.750 tỷ đồng. Các yếu tố như giá nhiên liệu, than dầu khí, tỷ giá USD/VNĐ tăng cao đột biến so với 2020, 2021 đã làm chi phí của tập đoàn này tăng thêm trên 39.780 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới bảo toàn vốn của công ty mẹ EVN.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%. Riêng số tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nợ phải trả tăng 4% so với 2021, trên 1,43 triệu tỷ đồng và chiếm 51% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này.

11 công ty mẹ có tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, nợ vay (ngắn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại trong nước là 443.318 tỷ đồng, tăng 3% so với 2021. Có 3 công ty mẹ huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lũy kế giá trị trái phiếu đã phát hành là 5.390 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét ở chỉ tiêu hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp nhà nước là 1,09 lần. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nợ vay để chi cho các hoạt động.

Nhiều hạn chế trong đầu tư, kinh doanh được Chính phủ chỉ ra, như một số chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng tới nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, như công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế (sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất, công nghệ nguồn...).

Mặt khác, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả; một số dự án đầu tư chậm tiến độ.

Hiện tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP khoảng 29%. Việc ít các dự án đầu tư mới (nguồn động lực tăng thêm) trong thời gian qua, sẽ khiến đóng góp của khu vực này với nền kinh tế trong 5 năm tới "rất hạn chế".

Nguyên nhân theo Chính phủ là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn; còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Trong khi đó, hiện chưa có chế tài để răn đe, xử lý trách nhiệm người đứng đầu không hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn. Cơ chế, vướng mắc thể chế chậm được tháo gỡ, ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn, cổ phần hoá tại doanh nghiệp.

Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế, trọng tâm là sửa Luật 69/2014, trong đó bổ sung quy định vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp vào hoạt động, quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sửa luật này cũng bổ sung hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hình thức chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phát sinh. Cùng đó, tăng phân cấp, phân quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, gắn với trách nhiệm giải trình người đứng đầu.

Luật cũng sẽ hướng tới bổ sung chính sách để doanh nghiệp nhà nước tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường, vươn ra thị trường khu vực, thế giới; đổi mới cơ chế tiền lương, thủ lao người lao động, quản lý. Các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính sẽ được giải quyết dứt điểm, nhằm đảm bảo cho các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại