Doanh nghiệp nào hưởng lợi từ gói vay ưu đãi hình thức tái cấp vốn lãi suất 0%?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có tờ trình dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tiếp cận tài chính.
Theo đánh giá của Bộ, tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời. Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng Bộ Tài chính sẽ cùng xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3 - 4%/năm trong thời hạn ít nhất là 1 năm.
Đối tượng hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi COVID-19; doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng. Theo dự thảo, đối với các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nhưng lại tác động lớn đến các ngành khác như hàng không, du lịch, giáo dục, cần phải có các gói cứu trợ tương xứng (đây cũng là thông lệ mà nhiều quốc gia đã thực hiện). Do đó, Chính phủ cần có gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% cho doanh nghiệp trong các ngành du lịch, hàng không, giáo dục trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm.
Ước tính riêng đối tượng doanh nghiệp ngành hàng không quy mô gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ Bộ Tài chính cần rà soát và sửa đổi Nghị định số 34 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; theo hướng tăng tỷ lệ được bảo lãnh của mỗi khoản vay, giảm hoặc miễn chi phí bảo lãnh, đơn giản hóa thủ tục bảo lãnh, kéo dài thời gian bảo lãnh, mở rộng phạm vi, đối tượng bảo lãnh tín dụng.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025.
Theo nhận định của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), khả năng phục hồi của doanh nghiệp là rất chậm, khó có khả năng trả nợ đúng hạn, nhất nợ trung dài hạn. Điều này sẽ dẫn đến nợ xấu tại các TCTD sẽ tăng sau thời hạn hoãn trả nợ là ngày 30/6/2022. Mặt khác sau khi khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng cần vốn để phục hồi sản suất kinh doanh, trong khi đó nguồn lực của các TCTD có hạn. Do đó, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn.
Vì vậy, việc các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung, thống nhất cơ chế pháp lý sẽ giúp các TCTD cho vay an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận