menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Long

Doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị cho kịch bản chính phủ vỡ nợ

Giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Mỹ cần đánh giá mức độ liên quan với chính phủ, tăng giữ tiền mặt và bán bớt trái phiếu kho bạc.

Giới chức Mỹ vẫn chưa đạt thỏa thuận về trần nợ công, khiến nước này ngày càng tiến gần rủi ro vỡ nợ. Các chủ doanh nghiệp đang trong trạng thái chờ đợi và quan sát, chuẩn bị cho khả năng suy thoái và sa thải nếu tình trạng vỡ nợ kéo dài.

Dù một số cho rằng Mỹ không thể vỡ nợ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi đầu tháng cho biết khả năng chính phủ không thể hoàn thành tất cả nghĩa vụ thanh toán trong hai tuần đầu tháng 6 "là rất lớn". Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo cơ quan này hết tiền sớm nhất là đầu tháng sau.

"Tất cả chúng ta đều hy vọng Mỹ không vỡ nợ. Nhưng hy vọng không phải là kế hoạch dự phòng. Các công ty cần phải tự chuẩn bị", Joshua White - giáo sư tài chính tại Trường quản lý Vanderbilt khuyến nghị.

Đánh giá mức độ liên quan với chính phủ

Một số doanh nghiệp có thể không bị ảnh hưởng ngay bởi nguy cơ vỡ nợ. Nhưng những công ty có hợp đồng với chính phủ có thể bị chậm chi trả khi Bộ Tài chính Mỹ hết tiền.

Trong trường hợp vỡ nợ, họ có thể phải chờ vài tuần. Trong thời gian đó, các chủ đất, nhà cung cấp sẽ phải tìm cách linh hoạt hơn, Harry Mamaysky – Giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia nhận định.

Các công ty phụ thuộc vào thanh toán từ chính phủ nên chuẩn bị cho sự chậm trễ này. "Anh cần vạch ra kế hoạch dự phòng", ông nói.

Doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị cho kịch bản chính phủ vỡ nợ
Tấm biển thông báo nợ công Mỹ đã chạm trần 31.400 tỷ USD hồi tháng 1. Ảnh: Reuters

Doanh nghiệp trong ngành quân sự và y tế có thể chịu tác động mạnh nhất. Các công ty tư nhân, ví dụ các hãng công nghệ, cũng có thể bị ảnh hưởng.

White khuyên các công ty trong các ngành này tổ chức họp thường xuyên để vạch ra kế hoạch trong trường hợp bị chậm thanh toán. CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon đầu tháng 5 nói với Bloomberg rằng ngân hàng này đang tổ chức họp hàng tuần để chuẩn bị cho khả năng vỡ nợ.

"Đến lúc nào đó, chính phủ sẽ giải quyết được việc này thôi. Nhưng cho đến khi ấy, các công ty cần biết mình có thể chống chịu được không? Trong bao lâu? Và khó khăn sẽ ở mức nào", White nói.

Nắm nhiều tiền mặt hơn

Kể cả các doanh nghiệp không trực tiếp nhận thanh toán từ chính phủ cũng nên có kế hoạch, White cho biết. Nếu khách hàng hay nhà cung cấp của bạn không được thanh toán, nhiều khả năng họ cũng sẽ giảm chi cho sản phẩm của bạn.

White cho rằng ở tình huống này, các doanh nghiệp nhỏ không cần họp hàng tuần. Thay vào đó, họ nên giữ nhiều tiền mặt hơn, và đa dạng hóa tiền tệ dự trữ, phòng trường hợp giá USD giảm.

Chính phủ vỡ nợ có thể kéo lãi suất lên cao, khiến việc đi vay đắt đỏ hơn. "Lượng tiền mặt lớn sẽ rất hữu ích", White cho biết. Các công ty có thể làm điều này bằng cách tạm dừng các dự án lớn.

Bên cạnh đó, vỡ nợ sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, Kent Smetters – Giáo sư Kinh tế tại Walton nhận định. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải đi vay để thanh toán cho các nhà cung cấp khi thiếu tiền mặt.

"Nhưng nếu tôi là ngân hàng, tôi sẽ giảm việc cho vay lại. Vì một lượng tiền gửi đã được dùng để đầu tư trái phiếu kho bạc. Chính phủ có thể không thanh toán trái phiếu đúng hạn nếu vỡ nợ", Smetters giải thích.

Bán bớt trái phiếu chính phủ

Khi các ngân hàng thận trọng hơn với số trái phiếu chính phủ đang nắm giữ, doanh nghiệp cũng cần như vậy. Nếu đang sở hữu trái phiếu đáo hạn đầu hoặc giữa tháng 6, "và bạn cần nhận số tiền đó để trả cho nhà cung cấp, bạn có thể mắc kẹt trong 1-2 tuần, khi Quốc hội tìm cách nâng trần nợ công", Mamaysky cho biết.

Trong tình huống này, ông khuyên các công ty nên cân nhắc bán bớt trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn. Ví dụ như trái phiếu đáo hạn trong vòng một năm.

Cắt giảm chi tiêu về mức cần thiết

Cynthia Franklin – Giám đốc khởi nghiệp tại W. R. Berkley Innovation Labs thuộc Đại học New York – chuyên làm việc với các công ty nhỏ và startup. Lời khuyên của bà dành cho các công ty hiện tại cũng chính là những gì bà nói với các startup.

"Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, chi phí đi vay sẽ tăng cao, niềm tin tiêu dùng giảm xuống. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thắt lưng buộc bụng", bà nói.

Tuy nhiên, bà cho rằng các công ty cần "linh hoạt và thích ứng", đa dạng hóa tệp khách hàng để không bị phụ thuộc vào một nguồn thu. Các công ty cũng cần tăng hiệu suất hoạt động để không chi nhiều hơn nhu cầu.

"Không chỉ trong thời kỳ suy thoái hoặc bất ổn kinh tế, lúc nào doanh nghiệp cũng cần nghĩ về việc chỉ chi tiêu cho những gì cần thiết mà thôi", bà kết luận.

Hà Thu (theo CNN)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại