Doanh nghiệp logistics Việt đang thua trên ngay chính "sân nhà"
Hiện 90% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Thua ngay trên sân nhà
Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics" tổ chức ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong những năm qua có bước phát triển mạnh. Qua đó giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics.
Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng.
Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong Top 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng dù có bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhưng ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.
Trích dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, ông Tân cho biết hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
“Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Không những vậy, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL: cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) và 4PL (cung cấp dịch vụ logistics thứ tư hay logistics chuỗi phân phối) tại Việt Nam còn hạn chế.
Tỷ trọng các doanh nghiệp 3PL, 4PL mới chỉ chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trong ngành logistics (báo cáo logistics Việt Nam 2019), tuy nhiên, miếng bánh này lại nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Do đó, Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Điều này tạo rào cản cho năng lực cạnh tranh trên thị trường của Việt Nam.
Doanh nghiệp hiến kế
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng trong nhiều khó khăn, vướng mắc thì việc giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 (tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021) ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
Hơn nữa, về thủ tục của các cơ quan hữu quan còn chưa tạo điều kiện thuận lợi như việc kiểm soát hàng quá cảnh qua các cửa khẩu, gây khó khăn cho các hãng tàu, khách hàng...
Đơn cử, tỷ lệ kiểm hóa tăng cao, thời gian kiểm hóa lâu phát sinh phí lưu container cho khách hàng, chậm giao nguyên liệu vào sản xuất. Một số mặt hàng là quá cảnh nhưng chịu qui trình thủ tục như hàng xuất nhập khẩu và thị trường nội địa như: giấy phép con về kiểm dịch, giấy phép con xin quota, ... đặc biệt thời gian dịch bệnh quy trình xử lý thủ tục còn rườm rà.
Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ phát triển chưa đồng bộ, triển khai chưa đúng tiến độ, như chưa khép kín vành đai 2, xây dựng vành đai 3, 4, tuyến đường cao tốc Đồng Nai-Vũng Tàu, kết nối các khu công nghiệp, các tỉnh với hệ thống cảng biển.
Đánh giá về triển vọng của ngành trong thời gian tới, ông Trương Tấn Lộc cho rằng, theo dự báo trong tháng 4/2022 của Ngân hàng thế giới (WB), GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022 rồi ổn định quanh mức 6,5% năm 2023. Các Hiệp định thương mại tự do dần được thực thi hiệu quả hơn khiến thị trường XNK Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nhựa, hàng dệt may và thủy sản…
“Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ cảng và logistics phục vụ nhu cầu kết nối hàng hóa với các thị trường lớn trên thế giới”, ông Lộc bày tỏ lạc quan.
Để nắm bắt cơ hội phát triển, ông Lộc kiến nghị cần triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng logistics, như tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn, ICD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; Nhanh chóng triển khai các dự án giao thông đường bộ, cụ thể đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nâng cấp đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành.
Đối với nhóm các giải pháp hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần xâ dựng cơ chế phát triển logistics xanh theo định hướng cắt giảm ty trọng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên 1km vận tải; Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp về việc giảm cá loại thuế; Xem xét điều chỉnh Thông tư số 01/2019/TT-BCT về quy định cửa nhập khẩu phế liệu cho mặt hàng giấy…
Còn theo bà Phạm Thị Lan Hương, đại diện Công ty Vinafco, trong mảng 3PL, hầu hết các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu so với các doanh nghiệp nội địa (doanh nghiệp ngoại chiếm 75% thị phần còn lại 25% là của doanh nghiệp Việt Nam).
Với thực tế này, cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp việt Nam về cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và cả ứng dụng công nghệ thông tin cũng như nguồn nhân lực.
Để bắt kịp xu thế thị trường, đạt mục tiêu phát triển ngành logistics bà Phạm Thị Lan Hương cho rằng, Việt Nam cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp 3PL, 4PL làm mũi nhọn để kéo thị trường logistics lên.
Bà Lan Hương kiến nghị, Việt Nam cần đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển; doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành một cách lành mạnh.
Tại hội thảo đã diễn ra Lễ công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cùng những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo.
Báo cáo Xuất nhập khẩu trong những năm qua đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm, đánh giá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận