Doanh nghiệp lo tiền gói hỗ trợ kinh tế chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán
Nhấn mạnh cần thiết phải có gói hỗ trợ để phục hồi, phát triển kinh tế nhưng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế giám sát chương trình phục hồi tổng thể kinh tế - xã hội từ sớm, từ xa để đảm bảo hiệu quả.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã kiến nghị như vậy tại tại Diễn đàn Kinh tế VN 2021: Phục hồi và phát triển bền vững, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 5-12.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, bày tỏ mong muốn có gói hỗ trợ, song cần lưu ý về việc triển khai, sử dụng sao cho hiệu quả. Nhắc lại bài học từ gói kích cầu 2008 - 2009 có quy mô lên tới 122.000 tỉ đồng (tương đương 6,9 tỉ USD), đã giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ khi đó cũng tạo ra hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách đúng đắn nhưng thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí tác dụng ngược, không đến đúng đối tượng.
Dẫn tới dòng tiền ít chảy vào sản xuất, mà chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, vàng, nên hậu quả lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô, kìm hãm sự phục hồi kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng bày tỏ lo ngại khi tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển, như giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng hiện đều đang chậm. "Nguy hiểm hơn tiền này chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, rủi ro như bất động sản, chứng khoán", ông lo lắng.
Dẫn chứng, tăng trưởng chứng khoán thường do sức khoẻ kinh tế tăng, nhưng giai đoạn hiện nay kinh tế tăng trưởng thấp, các chỉ số chứng khoán tăng rất nhanh. Đây là biểu hiện, tiền đổ vào đây làm giá chứng khoán tăng lên, chứ không phải thực chất lợi nhuận doanh nghiệp tăng.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, gói hỗ trợ tổng thể phục hồi kinh tế phải tập trung "kích" cả phía cung và cầu, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
"Các chính sách hỗ trợ cần phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch. Chúng ta muốn nhanh, rộng nhưng phải có cơ chế kiểm soát, kiểm toán để chính sách phát huy hiệu quả, tránh tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm", ông Thanh nhấn mạnh.
Nêu khuyến nghị, ông Đặng Hồng Anh cho rằng cần tập trung tăng cường công tác giám sát chính sách chương trình kích cầu phục hồi kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm, khoa học và toàn diện, xuyên suốt.
Việc giám sát được thực hiện từ khâu xây dựng chính sách, đến việc đánh giá hiệu quả thực hiện, cho phép chính sách cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tránh sự đã rồi hay bất cập trong triển khai, khiến cho giải ngân bị gián đoạn, giảm hiệu quả.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định, dành nguồn lực thích đáng cho y tế
Thông tin về các gói hỗ trợ, ông Phạm Thanh Hà, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết 2 năm mua 25 tỉ USD, qua đó bơm 1 lượng tiền lớn ra hỗ trợ nền kinh tế. Mặt khác, để hỗ trợ trực tiếp khách vay, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay.
Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, ông Hà cho biết mặt bằng lãi suất phải đảm bảo thu hút vốn và quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục được giữ ổn định.
Về chính sách tài khóa hỗ trợ thời gian qua, ông Võ Thành Hưng, thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam điều chỉnh cả thu và chi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp hơn với biến chủng mới, vì vậy, thời gian tới ngân sách tiếp tục phải dành nguồn lực thích đáng cho y tế và chính sách tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận