24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp kiến nghị không đánh thuế đặc biệt với đồ uống có đường

Các doanh nghiệp cho rằng thức uống có đường không liên quan bệnh thừa cân béo phì nên kiến nghị chưa nên đưa chúng vào diện chịu thuế đặc biệt khi sửa Luật.

Bộ Tài chính đang dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn. Lý do đây là những thức uống gây bệnh thừa cân béo phì và việc đánh thuế để điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

Nói tại hội thảo góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 15/3, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng, dẫn số liệu cho biết bệnh thừa cân béo phì liên quan tới mất cân bằng giữa nạp năng lượng vào và tiêu hao, vận động thể lực ít hay nhiều.

Theo bà, thừa cân béo phì có nhiều nguyên nhân như ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường trên đường phố. "Chất béo trong đồ ăn gây thừa cân béo phì nhiều hơn việc uống nước ngọt. Không có mối liên quan giữa đồ uống có đường với bệnh thừa cân béo phì", bà Lâm nói.

Đan Mạch là một trong số quốc gia đánh thuế này từ năm 1930 nhưng tới 2014 đã phải bỏ vì không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ông Chris Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Đà Nẵng cũng bày tỏ quan ngại nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm này. Ông nói hiện không có định nghĩa là "đồ uống có đường" nên với cơ sở Bộ Tài chính đưa ra có thể đánh thuế sang các sản phẩm dinh dưỡng khác như sữa, sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ, hay nước uống điện giải bổ sung trong thể thao.

Trưởng tiểu ban Nước giải khát (VBA) Đỗ Thái Vương nêu thực tế ngành nước giải khát đang phục hồi sau dịch và hiện gặp nhiều khó khăn với những bất ổn từ tình hình thế giới, chi phí sản xuất tăng. Các doanh nghiệp đồ uống cần môi trường chính sách ổn định về thuế, phí để quay lại thời kỳ tăng trưởng như trước dịch.

Ông nói thêm, nếu áp thuế với đồ uống có đường không giúp giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt. Chưa kể, chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì.

Còn đại diện Heineken Việt Nam nhìn nhận việc Bộ Tài chính đưa thức uống đại mạch, không cồn vào diện chịu thuế khi cho rằng đây là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia, là không hợp lý

"Các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế tiêu thụ đặc biệt và không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế này là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe", đại diện Heineken nói.

Với những băn khoăn trên, các doanh nghiệp đề nghị chưa nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này và không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, đồ uống đại mạch và nước giải khát không cồn. Việc này để cơ quan quản lý có thêm thời gian phân tích, đánh giá toàn diện hơn và xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp, tránh tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Dẫu vậy, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia từ Học viện Tài chính lại có góc nhìn khác khi nói nên đánh thuế này để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Mức thuế áp có thể là 10%, như Campuchia đang áp dụng, cùng đó quy định dán nhãn dinh dưỡng, kiểm tra, giám sát và tăng truyền thông cho người dân.

Với Việt Nam, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận.

Ngoài ý định đánh thuế với đồ uống có đường, Bộ Tài chính cũng tính tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Bộ cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng nhất là rượu, bia tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát.

Tại hội thảo hôm nay, các doanh nghiệp và chuyên gia đề nghị hoãn tăng thuế này, ít nhất đến 2025. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR), cho rằng ngành sản xuất đồ uống có tăng trưởng sản xuất nhưng cũng biến động rất lớn trong 5 năm qua. Khi có tác động, như dịch Covid-19, tổn thương ngành này lớn hơn nhiều so với các ngành như thực phẩm, thuốc lá.

Theo ông, tính toán chính sách cần nhìn vào thực trạng, thực tế nền kinh tế. "Nếu tăng thuế suất lúc này, tổng thu ngân sách chưa chắc tăng, ngược lại có thể giảm vì mức thuế quá cao. Tổng cầu trên GDP đang giảm mà tăng thuế sẽ khiến tỷ trọng này đi xuống", ông Việt nói.

Phó Viện trưởng VEPR cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh, chính sách thuế với doanh nghiệp, người dân nên duy trì để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng trong nước. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

"Thay vì tăng thu từ tăng thuế nên nuôi dưỡng cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển", Phó Viện trưởng VEPR nêu quan điểm.

Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp Luật của Văn phòng Chính phủ nói việc xây dựng luật xuất phát từ chính sách, nhưng cách xây dựng luật hiện nay có vấn đề khi chưa có đánh giá tác động đầy đủ. "Nếu làm nóng vội mà chưa đầy đủ yếu tố đánh giá tác động sẽ ảnh hưởng tới chính sách, doanh nghiệp, cần xem xét kỹ lưỡng", ông Khải nói.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu gợi ý, nhà chức trách nên nghiên cứu thay đổi phương pháp tính thuế từ tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm) sang tuyệt đối theo độ cồn trong đồ uống hoặc tính thuế hỗn hợp (áp dụng song song phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).

Trước mắt, theo ông, nên tính thuế hỗn hợp từ năm 2026 - giai đoạn kinh tế Việt Nam đạt được khát vọng chuyển sang giai đoạn thu nhập trung bình cao.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả