24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp khiến Masan muốn chi 28 triệu USD thâu tóm đang kinh doanh thế nào?

Dù là đối tác chiến lược của Unilever, kết quả kinh doanh của CTCP Bột giặt Net trong những năm gần đây đang có dấu hiệu suy giảm.

Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin Tập đoàn Masan đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của CTCP Bột giặt Net (NETCO – mã NET). Được biết, mã cổ phiếu doanh nghiệp này hiện tại đang niêm yết trên sàn HNX. Vậy, thương hiệu bột giặt 50 năm tuổi này có gì để Masan chi 28 triệu USD?

Theo tìm hiểu, CTCP Bột giặt Net tiền thân là Việt Nam Tân hóa phẩm công ty, được xây dựng từ năm 1968 cho đến năm 1972 mới hoàn thành đưa vào sản xuất. Việt Nam Tân hóa phẩm công ty có văn phòng chính tại số nhà 38 đường Nguyễn Trãi, phường 3, quận 5, TP.HCM và có cơ xưởng tại đường số 8, khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai.

Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Việt Nam Tân hóa phẩm Công ty được chính phủ Việt Nam quốc hữu hóa và trưng mua, chuyển tên gọi từ Việt Nam Tân hóa phẩm Công ty thành Nhà máy quốc doanh Bột giặt Đồng Nai hạch toán dưới dạng báo sổ trực thuộc Công ty Bột giặt Miền Nam.

Năm 1992, Nhà máy chuyển thành Công ty Bột giặt Net trực thuộc Tổng công ty hóa chất công nghiệp và hóa chất tiêu dùng – Bộ Công nghiệp nặng và tiến hành đăng ký lại theo quyết định của Bộ Công nghiệp nặng. Nhận lại Nhà máy Mỹ phẩm Bình Đông và chuyển chi nhánh NET từ số 39 Phó Cơ Điều, phường 12, quận 5, TP.HCM về số 617 – 629 Bến Bình Đông, phường 13, quận 8, TP.HCM.

Đến ngày 1/7/2003, công ty chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, mang tên mới là CTCP Bột giặt Net, với vốn điều lệ 22 tỷ đồng. Nắm quyền chi phối hoạt động của Bột giặt Net là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với 51% cổ phần. Trong năm 2019, Vinachem đã thoái vốn xuống còn 36%.

Đáng chú ý, hiện tại Bột giặt Net còn được xem là đối tác quan trọng của Unilever tại thị trường Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp nội địa này chính là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa mang nhãn hiệu nổi tiếng quen thuộc với mỗi gia đình người Việt, như bột giặt OMO, bột giặt Surf, nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn nhà VIM…

Ngoài ra, Bột giặt NET còn cung ứng một lượng lớn bột giặt, nước rửa chén cho các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand, các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi…

Dù vậy, trong những năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của NET đang suy giảm.

Trong năm 2018, tổng doanh thu của CTCP Bột giặt Net đạt 1.128 tỷ đồng, vượt 19,58% kế hoạch, tăng 3,91% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 60 tỷ đồng, đạt 100,61% kế hoạch, giảm 18,42%. Đây cũng là một trong những năm mà Net có lợi nhuận thấp nhất.

Theo Báo cáo thường niên 2018, doanh thu chính của CTCP Bột giặt Net đến từ các sản phẩm chất tẩy rửa, như bột giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, nước xả vải. Trong đó, doanh thu nội địa đạt 760 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu đạt 357 tỷ đồng, tăng 5%. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tốc độ tăng trưởng sản phẩm và doanh thu từ xuất khẩu có xu hướng tăng nhanh hơn thị trường nội địa.

Trong năm 2018, lợi nhuận giảm, dù doanh thu tăng mạnh do chi phí khấu hao tăng từ Dự án Lộc An - Bình Sơn đi vào hoạt động và đặc biệt là biến động tăng của giá nguyên liệu đầu vào và ảnh hưởng của tỷ giá USD/VND dẫn đến giá vốn tăng, kéo theo lợi nhuận giảm.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của NET cũng không mấy tích cực hơn với doanh thu đạt 805 tỷ đồng và lãi trước thuế 57 tỷ.

Được biết, lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định năm 2019 sẽ là một năm nhiều thách thức. Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi các công ty đa quốc gia chiếm tỷ trọng lớn về sản phẩm chất tẩy rửa tại thị trường nội địa. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng đang trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, khiến thị trường hàng tiêu dùng ngày càng chật vật.

Nhiều nhà đầu tư ngoại đã thoái vốn khỏi Bột giặt NET

Trước khi Tập đoàn Masan đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của CTCP Bột giặt Net, một loạt nhà đầu tư lớn đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

Theo đó vào ngày 10/12 vừa qua, tổ chức America LLC đã bán xong hơn 2 triệu cổ phiếu NET, tương đương 9,33% vốn của Bột giặt NET. Giao dịch được America LLC thực hiện bằng phương thức thoả thuận. Sau giao dịch này, America LLC không còn là cổ đông lớn tại NET.

Vào ngày 10/9, quỹ ngoại Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund cũng không còn là cổ đông lớn của Bột giặt Net khi bán ra 384.000 cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 5,29% xuống còn 3,57%.

Trước America LLC và Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vào đầu tháng 7/2019 cũng thoái vốn thành công khỏi Bột giặt Net, tỷ lệ sở hữu sau thoái vốn từ 51% xuống còn 36%. Việc thoái vốn của Vinachem được thực hiện theo lộ trình thoái vốn nhà nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
77.60 -2.30 (-2.88%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả