Doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc chỉ vì một quy định
Vấn đề khiến các doanh nghiệp đang gặp khó là Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong phòng cháy chữa cháy mà nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng ngay được và nguy cơ sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Ngày 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, thu hút hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội và khoảng 100 cán bộ các sở ngành, huyện thị tham gia.
Hội nghị có 13 ý kiến phát biểu, nhiều nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm, có ý kiến như: Lãi suất vẫn đang ở mặt bằng cao, việc tiếp cận nguồn vốn ở một số lĩnh vực khó khăn do thủ tục thẩm định khắt khe, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, du lịch; nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và giao thông gặp khó về nguồn cung, giá cả biến động thất thường khó lường; khó khăn trong tiếp cận đất; bất hợp lý trong tính toán mức thuế ở một số lĩnh vực…
Đáng chú ý, vấn đề áp dụng quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích ứng và những vướng mắc trong lộ trình khắc phục được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn - cho biết: Sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID- 19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55% đến 65%. Hiện nay, ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Lâm nêu hiện nay có một vấn đề khiến các doanh nghiệp đang gặp khó là Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong PCCC mà nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng ngay được và nguy cơ sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp đề xuất. |
Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Thanh Hóa - cho hay, tỉnh hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, song không nhiều nhà máy, xí nghiệp đáp ứng quy định phòng cháy chữa cháy mới như hiện hành. Hiện có đến 85% nhà nghỉ, khách sạn không đủ quy định phòng cháy chữa cháy, nếu áp tiêu chí mới thì không thể thu hút khách du lịch.
Tại hội nghị, Đại tá Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa - thông tin các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC hiện hành. Với các cơ sở đã nghiệm thu PCCC theo quy định trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP và không cải tạo thêm thì sẽ không phải thực hiện nghiệm thu lại.
Đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cũng chia sẻ và đồng ý với đề nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về khó khăn của doanh nghiệp và sẽ tổng hợp các vướng mắc về công tác PCCC trong thời gian qua, báo cáo UBND tỉnh để đưa ra giải pháp, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xây dựng sắp tới; đồng thời, sẽ tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng tháo gỡ cho các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay...
Toàn cảnh hội nghị |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo công an tỉnh ban hành ngay công văn hướng dẫn địa chỉ truy cập các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC gửi tới các hội, hiệp hội doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị công an tỉnh phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ, nhóm lỗi hiện hữu, trường hợp doanh nghiệp nguy cơ cao, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, để bảo đảm yêu cầu PCCC, yêu cầu chủ cơ sở nâng cao ý thức về phòng, chống cháy nổ, xây dựng lộ trình và ký cam kết thời gian khắc phục cụ thể.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đồng ý với các kiến nghị của doanh nghiệp về việc giảm tiền sử dụng đất đối với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; giảm thuế tài nguyên một số loại vật liệu giá thuế còn cao và chưa phù hợp; chấn chỉnh, đẩy mạnh, quyết liệt hơn trong cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng, cởi mở hơn cho doanh nghiệp hoạt động, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từng phần trong các khu công nghiệp và giao các ngành liên quan chủ động triển khai trong thời gian sớm nhất...
Năm 2022, Thanh Hoá có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước, thu ngân sách nhà Nhà nước đạt hơn 50.000 tỷ đồng, vượt 71% dự toán, đưa tỉnh Thanh Hóa gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách hơn 50.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận