Doanh nghiệp điện gió xa bờ lớn nhất thế giới rời Việt Nam: Vì sao có cuộc chia ly?
Orsted của Đan Mạch - một trong những công ty lớn nhất thế giới về điện gió ngoài khơi – thông báo dừng phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam sau hơn hai năm ký kết hợp tác với Tập đoàn T&T (T&T Group) trong phát triển dự án tỷ đô.
Được biết, Orsted đã bắt đầu tìm kiếm các dự án tại Việt Nam từ năm 2020, ký biên bản ghi nhớ vào năm 2021 với Tập đoàn T&T (T&T Group) nhằm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T và ông Martin Neubert - Tổng giám đốc phụ trách Thương mại, Phó chủ tịch Tập đoàn Orsted ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nguồn: T&T
Theo kế hoạch, Orsted sẽ phối hợp cùng T&T để tiếp tục phát triển các dự án của mình. Doanh nghiệp này đã có những bước đầu tiên, như tổ chức các buổi workshop quy tụ những nhà sản xuất và cung ứng linh kiện tại địa phương. Ông lớn này kỳ vọng các nhà máy của mình sẽ kết hợp với nhà máy phát điện của T&T, để cho ra công suất 2 GW vào năm 2030.
Nhưng rồi đến tháng 06/2023, Orsted bất ngờ tuyên bố ngừng mở rộng thị trường tại Việt Nam, đồng thời dừng phát triển các dự án điện gió tại đất nước hình chữ S.
Tại sao có cuộc chia ly?
Ông Mads Nipper - CEO của Orsted cho biết có hai lý do chính khiến họ đưa ra quyết định rút khỏi các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
“Cách đây hai năm, chúng tôi đã khá tin tưởng về việc thị trường này sẽ không phải hứng chịu cạnh tranh quá nhiều. Nhưng thực tế, chúng tôi chứng kiến sự cạnh tranh về giá ngay từ khi bắt đầu, qua đó khiến thị trường này trở nên kém hấp dẫn hơn. Bởi lẽ, sự cạnh tranh sẽ kéo lợi nhuận sụt giảm”, trích lời ông Nipper.
“Lý do còn lại là sự phức tạp trong các quy định và hệ thống vận hành. Trong nhiều trường hợp, chính sách của chúng tôi bị cản trở quá lớn, dẫn đến việc rất khó để tiếp tục cuộc chơi”.
Châu Á – Thái Bình Dương trên thực tế là thị trường nhỏ nhất của Orsted, trái ngược với Mỹ và châu Âu. Doanh nghiệp đã có tham vọng tới năm 2030 sẽ nắm giữ 3 - 5 GW công suất điện tái tạo ở châu Á – Thái Bình Dương trên tổng công suất đường dẫn 50 GW.
Việt Nam cần quy định rõ ràng hơn về năng lượng xanh
Đây là tiêu đề một bài viết gần đây trên Bloomberg. Bài viết cho rằng Việt Nam – một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á – cần những chính sách rõ ràng hơn để hỗ trợ sự phát triển của năng lượng xanh.
Việt Nam đã trở thành một trong những nơi quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, khi những nhà sản xuất lớn như Apple cũng tới để đặt nhà máy. Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng nối dài chuỗi căng thẳng cho ngành điện – vốn đang chịu áp lực trước nhu cầu giảm thải carbon đang gia tăng.
Theo tài liệu Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam 3.0 từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, việc thiếu đi sự rõ ràng về chính sách và giá cả đã làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư, và níu chân các cuộc đàm phán để đẩy nhanh tiến độ. Chẳng hạn như chính sách cho phép mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện.
“Việc không có khung pháp lý dành riêng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam là một rào cản rất lớn”, Bloomberg trích báo cáo.
Năm 2022, Việt Nam đã đồng ý cấp vốn 15.5 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi giảm điện than và đẩy thời hạn đến năm 2030. Nhưng cũng giống như câu chuyện từng xảy ra ở Indonesia, câu chuyện này gặp rào cản lớn về chi phí.
Theo thỏa thuận, 47% nguồn điện ở Việt Nam sẽ được chuyển đổi thành năng lượng tái tạo tới năm 2030, cao hơn đáng kể so với mức 39% mà Chính phủ từng hoạch định. Nhưng để thu hút nhiều khoản đầu tư hơn, “các hợp đồng mua bán điện cần được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế”, theo Bloomberg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận