24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hùng Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp dệt may không ảo tưởng với phục hồi hậu Covid

Theo dự báo sáng sủa nhất, để ngành dệt may trở lại đạt được ngưỡng tiêu thụ của năm 2019 cũng phải cần đến hết quý III/2022. Còn theo kịch bản phục hồi chậm, thì phải hết năm 2023 ngành này mới phục hồi hoàn toàn.

Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 đạt kim ngạch xuất khẩu là 39 tỷ USD - ngưỡng thực hiện của năm 2019. Như vậy, ngành dệt may phấn đấu về đích sớm hơn so với sự phục hồi của thị trường từ 3-6 quý. Một thách thức lớn của dệt may Việt Nam mà không dễ vượt qua.

ĐƠN HÀNG DẦN TRỞ LẠI

Dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng thị trường dệt may thế giới đã hoạt động trở lại. Đây là cơ sở để đặt ra mục tiêu xuất khẩu dệt may cho năm 2021. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong tình hình bình thường mới của thế giới, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá sản phẩm dệt may chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019 nhưng tín hiệu từ thị trường trong quý I/2021 cho thấy dự báo và hướng phấn đấu của dệt may Việt Nam là có cơ sở thực hiện được.

Hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. "Đây là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020", ông Trường nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cũng cho biết, doanh nghiệp ông đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021. Đơn hàng tập trung vào thị trường Mỹ (trên 50%), châu Âu, Nhật Bản đã khá hơn năm trước.

Năm 2019, xuất khẩu của May Hưng Yên đạt xấp xỉ 3.300 tỷ đồng (giá FOB), còn nếu chỉ tính gia công đạt trên 100 triệu USD. Con số tăng trưởng của May Hưng Yên năm 2021 dự kiến khoảng 5-10%. Năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, May Hưng Yên vẫn giữ ổn định, chỉ giảm khoảng 5% so với 2019. Năm nay mục tiêu của May Hưng Yên có thể tăng bù lại năm 2020 và nhích hơn so với 2019.

Còn với Vinatex, phấn đấu xuất khẩu năm 2021 đạt kết quả bằng năm 2019 (2,9 tỷ USD). Ông Trường cho rằng đây là mức cao, còn mức cơ sở là tăng khoảng 12%.

Theo dự báo của McKinsey, nhanh nhất phải đến quý III/2022 thế giới mới có cầu bằng năm 2019, còn không phải hết năm 2023. "Do đó, Vinatex đặt mục tiêu cao là năm 2021 bằng năm 2019, tức là sớm 3-9 quý. Nếu không, đến giữa năm 2022 cũng sẽ ngang năm 2019, tức là sớm từ 1-4 quý so với thế giới. Đây là mục tiêu hết sức thách thức và chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát dịch bệnh ở cả trong nước và thế giới", ông Trường chia sẻ.

Theo dự báo chủ quan của doanh nghiệp, năm nay xuất khẩu toàn ngành sẽ tăng hơn so với 2020 nhưng tăng không nhiều vì Việt Nam và các nước xung quanh cung ứng vật tư cho dệt may Việt Nam như Trung Quốc hay đặt hàng gia công từ Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với làn sóng Covid.

"Tôi cho rằng sẽ khó khăn hết 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn vì nhiều nước đã tiến hành tiêm phòng vacxin cho khoảng 70% dân số. Bên cạnh đó nhiều thị trường phát triển phục hồi như Mỹ, Nhật, châu Âu. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến quý III, IV là những quý bù lại cho quý I, II. Do vậy, dự kiến năm 2021, xuất khẩu dệt may cả nước khó đạt con số như 2019 nhưng tăng hơn năm 2020, với con số tăng trưởng toàn ngành khoảng 10% so với năm trước", ông Dương phân tích.

VỪA CHỐNG DỊCH, VỪA TĂNG TRƯỞNG

Cũng theo đại diện May Hưng Yên, năm nay đơn hàng không thiếu nhưng khó khăn khác đặt ra với ngành đó là giá đang bị cạnh tranh, giảm so với năm ngoái. Các đối thủ của dệt may Việt Nam như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc đều hạ giá để lấy đơn hàng.

Ngoài ra, cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Với mặt hàng dài và dễ như sơ mi, đối tác chuyển đi nước khác. Hàng khó đưa vào Việt Nam nhiều hơn như sản phẩm jacket, váy, quần nhiều chi tiết... do tay nghề Việt Nam tốt hơn so với Bangladesh, Ấn Độ.

Một vấn đề nữa, năm nay xuất khẩu khẩu trang dự kiến không nhiều, chỉ bằng 10% so với năm 2020, một phần do các nước tự sản xuất hoặc nhập giá rẻ từ Trung Quốc. Việt Nam tập trung vào những mặt hàng là thế mạnh. Nhưng thách thức lớn với dệt may lúc này là dịch bệnh Covid-19 đã quay lại Việt Nam lần thứ 3. Tình hình này lại đặt ngành may vào thế khó khi cả năm 2020 đã lao đao vì dịch, chưa kịp hồi phục.

Người đứng đầu Vinatex nhận định, các đơn hàng đang có sự phục hồi khá nhưng nếu phát sinh phải cách ly thì không chỉ không có tăng trưởng mà còn có nguy cơ phải chịu phạt hợp đồng. Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các doanh nghiệp dệt may.

Bên cạnh thiệt hại trong cam kết tài chính với khách hàng, trong dài hạn, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, quy trình tái bố trí lại chuỗi cung ứng đã đẩy nhanh hơn. Chính vì thế, việc kiểm soát dịch bệnh lần này ở các doanh nghiệp dệt may cần thực hiện ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn.

Do đó, trong tình huống hiện nay, ông Trường đề xuất các doanh nghiệp cần nâng mức độ phòng chống dịch bệnh lên cao nhất, bao gồm thực hiện nghiêm túc chế độ 5K do Bộ Y tế đề ra, thực hiện giãn cách trong doanh nghiệp, khử khuẩn, sát trùng, đeo khẩu trang với người lao động cả trong quá trình làm việc, giãn cách trong nhà ăn tập thể.

Đối với người lao động đến từ vùng dịch thì chưa nên đến nhà máy làm việc, đảm bảo giãn cách đủ 21 ngày, sau đó đi kiểm tra có kết quả âm tính mới đi làm trở lại. Doanh nghiệp cũng cần cam kết hỗ trợ cho những lao động phải giãn cách ở nhà mức lương tối thiểu để họ yên tâm họ sẽ có việc làm trong thời gian tới. Vận động toàn bộ người lao động nghiêm túc thực hiện phòng dịch trong cộng đồng, không tụ tập ngoài giờ, không tham gia các sinh hoạt cộng đồng có đông người.

"Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề. Phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng và vị trí mới của ngành trong chuỗi cung ứng, mạnh mẽ hơn so với vị trí chúng ta đã có từ trước", ông Trường nhấn mạnh.

Giải pháp của May Hưng Yên trong bối cảnh hiện nay, theo ông Dương, là doanh nghiệp vừa làm, vừa nghe ngóng, cầm chừng và tập trung căng mình chống dịch bệnh. Những nhóm lao động từ Hải Dương đến làm việc tại các nhà máy tạm ngừng không tiếp nhận, nếu có phải kiểm tra khai báo y tế và âm tính với Covid trong vòng 3 lần.

Cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, ông Dương kiến nghị, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được thực hiện nhanh chóng. Ngoài giảm thuế, lùi thời gian nộp tiền đất cho doanh nghiệp, cần đổi mới thêm các chính sách, luật đất đai. Nhiều nhóm đầu tư rút từ Trung Quốc hay nước khác vào Việt Nam rất cần đất đai, đầu tư thêm công nghệ... cần tạo chính sách thuận lợi cho họ để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nếu không đào tạo nhanh cho lao động thì không đáp ứng được yêu cầu công nghệ. Bởi vậy, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các bộ, sở, hoặc có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo lao động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả