Doanh nghiệp chủ động gỡ nút thắt trái phiếu
Cùng với những quy định mới để rộng khung phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), sự chủ động của phía nhà phát hành cũng cần được kích đẩy tối đa.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2018, thị trường TPDN có chuyển biến về quy mô và tăng trưởng đáng kể. Theo đó, số dư TPDN đã tăng lên, đạt 436.773 tỷ đồng. Trong đó, 146.039 tỷ đồng tương đương mức tăng 26,53% so với năm 2017 là TPDN được phát hành riêng lẻ.
Chọn minh bạch, hay ngại minh bạch?
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MBS, diễn biến về nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công gần như chưa thay đổi. Dẫn đầu vẫn là nhóm tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS) với tỷ trọng trên 82%. Riêng nhóm ngân hàng, dẫn đầu là VPBank, có tỷ trọng phát hành chiếm 32%. Nhóm bất động sản xây dựng, hạ tầng đứng thứ 2 với 27%. Nhìn chung, nhóm doanh nghiệp lớn, có uy tín dễ dàng hơn trong huy động vốn trên thị trường nợ. Ngân hàng, BĐS, chứng khoán cũng là những ngành tiếp tục có xu hướng phát hành trái phiếu mạnh trong năm nay, khi các ngân hàng đang có nhu cầu huy động vốn cao nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II; bản thân các doanh nghiệp BĐS đang bị hẹp nguồn vay trung và dài hạn; còn các công ty chứng khoán cũng cần bổ sung nguồn vốn để cung ứng cho nhà đầu tư các dịch vụ, sản phẩm mới…
Theo báo cáo của ADB, năm 2018, số lượng doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu thành công còn khiêm tốn. “Số liệu này có thể chưa chính xác do 90% các đợt phát hành TPDN là phát hành riêng lẻ nên hạn chế tiếp cận về thông tin. Đây cũng là một lát cắt cho thấy việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp”, ADB nhấn mạnh.
Tình trạng 2 sổ sách kế toán, dòng tiền chưa minh bạch với công ty sân sau, sở hữu chéo… đều đã và đang cản trở cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp qua kênh phát hành trái phiếu.
Chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn đánh giá, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định trái phiếu riêng lẻ không được bán lại cho nhiều hơn 100 nhà đầu tư không chuyên nghiệp trong vòng 1 năm từ ngày chào bán. Cùng với đó, một trung tâm thông tin sẽ được thành lập để tăng tính minh bạch thị trường, và các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp có thể cũng phải thực hiện công bố các thông tin sau khi đợt phát hành được thực hiện - là các điểm mà doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc khi huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ tới đây.
Cần hành động từ chính doanh nghiệp
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, có nhiều chuẩn mực mà doanh nghiệp Việt đang làm hiện nay không đồng nhất với thế giới. Chẳng hạn, ở nhóm các doanh nghiệp đại chúng niêm yết, từ lâu, các doanh nghiệp niêm yết trên thế giới đã không còn có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ở Việt Nam cũng đã áp dụng điều này nhưng thực tế chỉ mới một số ít doanh nghiệp triển khai. Hay như tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính chỉ mới họp bàn lộ trình để đưa Chuẩn mực báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam. Ngoài ra, công tác quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn yếu kém. Vấn đề minh bạch bên trong doanh nghiệp như tình trạng 2 sổ sách kế toán, quản trị mô hình gia đình trị, công ty sân sau, sở hữu chéo… đang cản trở cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu.
“Bên cạnh chính sách ngày càng cởi mở và đồng bộ, khung pháp lý hoàn chỉnh, để đáp ứng nhu cầu vốn của chính mình, hơn ai hết, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi những yếu tố nói trên để TPDN thực sự hấp dẫn”, ông Khánh nói.
Trong bối cảnh doanh nghiệp luôn cần vốn, nhưng có vẻ các kênh huy động khác đều khó khăn nên họ đang và sẽ tăng cường huy động trái phiếu. Thống kê cập nhật 5 tháng đầu 2019 cho thấy, tiền đã rút mạnh ra khỏi các kênh đầu tư cổ phiếu tới hàng trăm tỷ USD, nhưng đổ vào kênh đầu tư trái phiếu lên tới hàng chục tuần liên tiếp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải trả một khoản lãi rất cao để thu hút nhà đầu tư khi các tay to chỉ muốn giữ tiền- sẽ dẫn đến một viễn cảnh nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn để huy động vốn.
Công ty Chứng khoán MBS nhận định, cùng với Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, trong đó có các quy định như tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho TPDN… sẽ tạo khung pháp lý cho thị trường được phát triển và bảo vệ nhà đầu tư, việc đưa TPDN phát hành riêng lẻ lên sàn niêm yết và đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng là 1 yếu tố quan trọng để hướng đến cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư. Qua đó, có thể thấy dù muốn hay không, minh bạch thông tin sẽ tiếp tục là xu hướng, cũng là điều kiện để TPDN trở nên hấp dẫn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận