Doanh nghiệp chăn nuôi hụt hơi vì cạnh tranh gay gắt
Dịch bệnh, giá giảm, cạnh tranh gay gắt với thịt nhập khẩu khiến các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đang hụt hơi.
Loạt doanh nghiệp lớn 'mất' lãi
Giá thành giảm, dịch bệnh bủa vây khiến bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo nội quý III/2023 không mấy sáng sủa. Điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh của một số "ông lớn" như BAF, Dabaco, GreenFeed...
Hết quý III, công ty CP BAF Việt Nam (HoSE: BAF), chủ thương hiệu "heo ăn chay" đạt doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ chăn nuôi chỉ chiếm 1/3, đạt 416 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 143 tỷ đồng, giảm 34%. Biên lợi nhuận gộp đạt 12%, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay tăng mạnh khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên 44 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ. BAF kết thúc quý III với 39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 75% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, BAF đạt hơn 3.600 tỷ đồng doanh thu, giảm 26% so với cùng kỳ; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt đạt 53 tỷ đồng và 51 tỷ đồng, giảm 82%. Kết quả này tương ứng thực hiện hơn 52% kế hoạch doanh thu và gần 18% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023.
Lãnh đạo BAF cho biết, quý III doanh nghiệp bán ra thị trường gần 77.000 con, với heo thịt chiếm 71%. Lũy kế 9 tháng, lượng heo thương phẩm cho ra thị trường là 210.000 con (61% là heo thịt).
Quy mô đàn tăng mạnh do nhiều trang trại mới đưa vào vận hành. Tính đến 30/9, BAF ghi nhận tổng đàn 300.000 con, lượng heo thương phẩm đạt 720.000 con, tương ứng tăng 30% và 50% so với đầu năm.
Một "ông lớn" khác cũng giảm lãi là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC). Quý III, DBC ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.700 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, lãi ròng chỉ đạt gần 13 tỷ đồng, giảm tới 94%. Đáng chú ý, chỉ 3 tháng trước, DBC công bố lợi nhuận khủng 327 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo DBC, giá heo hơi không còn duy trì đà tăng của quý trước đó là nguyên nhân khiến kinh doanh không như mong đợi.
Trước đó, như Nhadautu.vn đã thông tin, chủ thương hiệu thịt heo G Kitchen là Công ty CP GreenFeed Việt Nam, báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Cần kiểm soát thịt nhập khẩu
Trả lời Nhadautu.vn, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai (thủ phủ chăn nuôi cả nước) cho biết, khó khăn của doanh nghiệp nội địa đến từ hai nguyên nhân chính là giá thịt giảm và dịch bệnh,
Giá đã bắt đầu giảm. Từ vùng 60,000 đồng/kg, giá đã giảm về gần 50,000 đồng/kg tại cuối tháng 9/2023. Trong khi đó ở quý II, giá khoảng 63.000 - 65.000/kg.
"Giá heo giảm do tình trạng nhập heo giá rẻ từ Thái Lan, Campuchia và nhiều quốc gia khác (giá chỉ khoảng 40.000/kg) và dịch tả lợn châu Phi khiến người dân đua nhau bán ra thị trường", ông Đoán cho biết.
Ngoài ra, giá bán của người chăn nuôi thấp hơn giá thành nên bán ra chỉ toàn lỗ cộng thêm dịch tả heo châu Phi đe dọa nên hầu hết người chăn nuôi không phấn khởi tái đàn, doanh nghiệp thì có biện pháp căn cơ bảo vệ đàn, song cũng khó cạnh tranh với thịt nhập và một số doanh nghiệp chăn nuôi quốc tế, ông Đoán nói thêm.
Theo đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, việc liên tục nhập khẩu thịt ngoại vào khi nhu cầu trong nước đã đủ khiến cung vượt cầu, cộng thêm giá thịt nhập khẩu rẻ hơn giá thịt nội địa khiến người chăn nuôi trong nước không cạnh tranh lại các doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề giá cả phụ thuộc nhiều vào quy luật cung - cầu của thị trường.
"Cần siết lại kiểm soát thịt nhập khẩu. Hiện tại Việt Nam đang cấm một số chất dùng trong thức ăn và thuốc chăn nuôi, trong khi quốc tế lại không cấm. Điều này dẫn đến thịt ở thị trường trong nước có thể không ngon, không chất lượng so với thịt nhập khẩu", ông Đoán nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận