Doanh nghiệp chăn nuôi heo gặp khó
Giá heo giảm khi nguồn cung ổn định, chi phí thức ăn chăn nuôi cao khiến Dabaco, BaF… có kết quả kinh doanh đi lùi trong quý IV/2022.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) - doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đứng đầu thị trường, lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây là lần đầu tiên Dabaco âm lợi nhuận trong 5 năm. Kết quả kinh doanh đi lùi trong quý này khiến công ty cách xa kế hoạch đề ra cho cả năm.
Đánh mạnh mảng chăn nuôi heo với mô hình 3F, Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 6 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ khi niêm yết từ năm 2021. BaF vẫn lãi sau thuế gần 7 tỷ đồng - mức thấp kỷ lục nhưng khoản lãi này nhờ nhờ thanh lý và nhượng bán tài sản cố định.
Nổi bật với sản phẩm thịt mát, Masan MeatLife (MML) báo lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 880 tỷ đồng. Tính chung cả năm, lợi nhuận công ty âm khoảng 230 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ khi công bố thông tin vào năm 2016. Tuy nhiên, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng vì không còn kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2021, hiện chỉ tập trung vào mảng thịt thương hiệu.
Với các tập đoàn đa ngành, mảng chăn nuôi cũng mang về kết quả đi lùi hơn hẳn. Mảng bán heo của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ghi nhận 110 tỷ đồng lãi gộp trong quý IV/2022 nhưng con số này vẫn giảm hơn 36% so với quý liền trước. Xét về biên lợi nhuận gộp, quý cuối năm có mức thấp nhất, chỉ 16%. Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có gần 1.690 tỷ đồng doanh thu ở nông nghiệp trong quý IV, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Mảng này vẫn đang để lại cho HPG khoản lỗ sau thuế hơn 34 tỷ đồng. Tính chung cả năm, lợi nhuận nông nghiệp của tập đoàn này đạt 22 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2016
Theo các doanh nghiệp, quý IV/2022 là giai đoạn kinh doanh khó khăn của ngành chăn nuôi nói chung. Nông nghiệp BaF cho biết đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy nguồn chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào, giá thành nguyên vật liệu leo thang... Dabaco còn nêu thêm yếu tố nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi giảm trùng đợt lao dốc của giá thịt heo trên thị trường. Giá heo hơi cuối tháng 12/2022 giảm 15-20% so với hai tháng trước đó, về gần 50.000 đồng một kg. Nguồn cung dồi dào được xem là một trong những nguyên nhân chính.
Năm ngoái, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn vượt xa con số 6,69 triệu tấn của năm 2021. Trong đó, nguồn cung heo hơi tăng 11% so với cùng kỳ. Cùng với thịt heo, các sản phẩm chăn nuôi khác như gà, bò cũng tăng mạnh. Ngoài ra, thị trường còn có thêm các sản phẩm nhập khẩu. Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 1,52 tỷ USD, tăng 9,1%.
Dự báo về năm nay, VnDirect nói khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt nhờ giá lợn được kỳ vọng tăng 5% khi nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung do hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn. Đơn vị này cũng ước tính giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm xuống do tình hình trên thị trường thế giới đã ổn định. Giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới nên giảm dần vào năm 2023. Tuy vậy, tỷ giá USD/VND ảnh hưởng lên giá thực tế của nguyên liệu đầu vào và dịch tả theo châu Phi vẫn là những rủi ro lớn của ngành này.
Tương tự, SSI Research giả định dịch bệnh được kiểm soát tốt giúp sản lượng tăng, giá heo hơi sẽ đạt khoảng 60.000 đồng một kg vào năm 2023. Chi phí thức ăn chăn nuôi cũng được cho là sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý II. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cần theo dõi trong lĩnh vực này, vì SSI dự báo hoạt động thương mại qua biên giới sẽ hỗ trợ giá heo hơi trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận