Doanh nghiệp bia “méo mặt” vì nỗi lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia tới 100%
Như chúng tôi đã thông tin, trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đã đưa ra lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng bia.
Đối với mặt hàng bia, quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.
Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Còn phương án 2 là tăng từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Đánh giá tác động của các phương án, Bộ Tài chính cho biết, đối với phương án 1, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đối với phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia do tác động giảm tiêu thụ.
Ngược lại, việc tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân.
Chia sẻ với phóng viên liên quan đến đề xuất này, ông Đồng Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Phú Thái Sơn (trụ sở Sóc Sơn, Hà Nội) - đơn vị sở hữu thương hiệu bia Báo Trắng, Hada Gold, cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp nói chung, ngành bia nói riêng gặp khó khăn thì thông tin về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp.
Ông Sơn nhất trí việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, song mức tăng và thời gian tăng cần phù hợp với bối cảnh. "Chúng tôi là một doanh nghiệp sản xuất bia quy mô nhỏ, hiện nay đã khó có chỗ đứng trên thị trường so với các thương hiệu lớn. Hầu hết chỉ bán khu vực miền núi vì phân khúc giá rẻ và không thể cạnh tranh với các hãng khác", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, thời gian qua, đặc biệt là từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay và ảnh hưởng của quy định kiểm soát nồng độ cồn, người dân thắt chặt chi tiêu nên doanh số tiêu thụ bia sụt giảm trầm trọng, công ty chỉ hoạt động cầm chừng.
"Công ty chúng tôi thực sự khó khăn trong giai đoạn này. Đợt này nắng nóng kỳ vọng rất nhiều nhưng lượng tiêu thụ cũng không cao. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phải cho mấy chục lao động nghỉ việc để đảm bảo cân đối tài chính", ông Sơn chia sẻ.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp bia lớn ở Hà Nội cũng chia sẻ, việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này là chưa phù hợp bởi sẽ làm cho các doanh nghiệp thêm khó khăn, người tiêu dùng giảm mua, doanh thu sẽ tiếp tục giảm và việc nộp ngân sách sẽ giảm theo, người lao động mất việc làm...
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các chủ trương chính sách của Nhà nước, song lộ trình tăng và mức tăng thuế cũng cần phù hợp với bối cảnh và sức chịu đựng của doanh nghiệp. Tăng thuế thì giá bán sẽ tăng nhưng người tiêu dùng lại thắt chặt chi tiêu thì ai sẽ mua hàng. Tôi nghĩ, các cơ quan nên nghiên cứu kỹ lưỡng giữa được và mất khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi vì khi doanh nghiệp khó khăn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, đó là còn chưa kể đến an sinh xã hội...", vị này nói.
Xoay xở, tìm cách thích nghi với bối cảnh
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp đồ uống nói chung và ngành bia đang chịu tác động tiêu cực kép từ đại dịch COVID-19 cùng với tình hình thế giới.
Trong bối cảnh đó, những chính sách liên quan như quy định của Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.
Với dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành bia sẽ chịu tác động lớn khi phải tăng thuế theo lộ trình. Những chính sách này càng khiến doanh nghiệp đã khó là càng khó hơn. Vì vậy, ông Huy cho rằng cần đề xuất giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ngành bia.
Mặt khác, ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, trong trường hợp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến từ 2026 - 2030 thì các doanh nghiệp ngành bia cần sớm chuẩn bị các giải pháp thích ứng trong tình hình mới.
Trong đó có thể hướng đến chuyển đổi sản xuất các sản phẩm đồ uống có lượng cồn thấp và không cồn để phục khách hàng trong nước và thích ứng với văn hóa nhậu đồ uống không cồn trong thời gian tới.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu giải pháp giảm thiểu chi phí bán hàng, giảm bớt khâu trung gian, bán hàng đa kênh, trong đó đẩy mạnh bán trực tuyến phù hợp với xu thế thương mại điện tử.
Ông Huy cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong quá trình sản xuất, lưu kho, phân phối để tiết giảm các chi phí tiêu hao năng lượng, tăng tính tự động, nhằm tiết giảm giá thành, chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho để có điều kiện đưa ra mức giá bán tối ưu vừa đảm bảo được tính cạnh tranh và đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần rà soát lại các khoản tín dụng, lãi vay để có phương án tập trung doanh thu về các ngân hàng có lãi suất và phí thấp hấp dẫn nhưng lại có khả năng giải ngân, LC luôn sẵn sàng kích hoạt khi doanh nghiệp có nhu cầu nhằm giảm chi phí lãi vay, phí chuyển tiền, phí bảo lãnh, phí LC để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cùng đó, các doanh nghiệp cũng nên lập dự án chuyển đổi chiến lược, toàn diện, chiều sâu để từ lãnh đạo cấp cao cho tới cán bộ công nhân viên nhận thức đúng đắn về những khó khăn, thử thách mà doanh nghiệp cần phải thích nghi, vượt qua và phát triển không chỉ trong phạm trong nước mà cần phải vươn ra toàn cầu, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường lớn: Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Châu Âu…
Theo ông Huy, khó khăn của ngành bia nhưng cũng là cơ hội để ngành tự làm mới lại mình, chuyển đổi số, sản phẩm, thị trường, thay đổi tư duy, tầm nhìn chiến lược sẽ giúp các doanh nghiệp năng động và từ thích ứng sẽ chuyển sang được dẫn dắt sự thay theo hướng tích cực hơn, sản xuất có trách nhiệm với xã hội, thân thiện môi trường, đưa hương vị và bản sắc Việt Nam vươn ra toàn cầu.
(Theo Hậu Lộc | phapluat.tuoitrethudo.vn)
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận