Doanh nghiệp BĐS đóng cửa hàng loạt, môi giới hết thời kiếm trăm triệu mỗi tháng
Trước sự ảm đạm của thị trường BĐS, thu nhập của môi giới cũng giảm mạnh trong khi các sàn giao dịch, doanh nghiệp BĐS cũng đóng cửa hàng loạt.
Thị trường bất động sản giai đoạn 2021-2022 liên tục "sốt nóng" khiến mặt bằng giá nhà, đất tại nhiều địa phương tăng chóng mặt. Thị trường có sự tham gia lớn của lực lượng nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) với kỳ vọng "lướt sóng", kiếm lời nhanh.
Thực tế, ăn theo thị trường "sốt nóng", không ít người thắng đậm từ những thương vụ thành công. Anh Thức, chủ một văn phòng BĐS tại Hà Đông – Hà Nội cho biết bản thân anh và nhiều đồng nghiệp đã thắng lớn trong giai đoạn năm 2019-2021 khi có tháng kiếm từ vài chục tới cả trăm triệu đồng.
Môi giới kiêm chủ văn phòng BĐS này kể trong giai đoạn “sốt nóng”, mỗi tháng, môi giới như anh có thể chốt được tới cả chục giao dịch. Với mức hoa hồng nhận được từ 20-30 triệu đồng/giao dịch giúp số tiền kiếm được có thể lên tới 200-300 triệu đồng/tháng.
Tương tự, anh Ánh, một môi giới tự do khác tại Hà Đông cho biết trong năm 2020 tháng cao điểm nhất từng kiếm được tới hơn 300 triệu đồng từ các thương vụ môi giới BĐS. Đang vui mừng trong chiến thắng, thị trường đột ngột trầm lắng và mất thanh khoản sau những động thái kiểm soát tín dụng. Khi thị trường rơi vào trầm lắng, thu nhập của những môi giới như anh Thức hay anh Ánh cũng giảm mạnh.
Anh Thức cho biết kể từ đầu năm 2023 đến nay mới thực hiện được vài ba giao dịch thành công. Tuy nhiên, số tiền phí hoa hồng cũng phải chia 5, chia 7 nên thu nhập không đáng kể.
Thậm chí chủ văn phòng BĐS này cho biết nhiều đồng nghiệp của anh đã phải bán nhà, bán xe để trả lãi vay ngân hàng do trong giai đoạn “sốt nóng” đã sử dụng đòn bẩy tài chính lớn.
“Nhiều người đang sở hữu những khối tài sản cả chục tỷ đồng, tuy nhiên không thể biến thành tiền mặt do thanh khoản không có. Bán ra lúc này có thể phải chấp nhận lỗ từ 20-30%, do đó nhiều người không đành. Trong khi đó, áp lực lãi vay ngân hàng đang khiến nhiều người mất ăn mất ngủ”, anh Thức cho biết.
Tương tự, anh Ánh cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách hàng gửi rao bán BĐS nhiều hơn số lượng khách hỏi mua. Do vẫn còn chênh lệch lớn về mức giá giữa hai bên đưa ra nên lượng giao dịch thành công là không nhiều. Điều này khiến thu nhập của anh cùng nhiều đồng nghiệp trong văn phòng cũng giảm mạnh.
Không chỉ thu nhập của môi giới BĐS giảm mạnh do thị trường ảm đạm kể từ nửa cuối năm 2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS đóng cửa, phá sản cũng tăng cao trong thời gian qua.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, có 341 doanh nghiệp địa ốc giải thể (tăng 30%) và 1.816 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước.
Các sàn giao dịch địa ốc cũng chung cảnh ngộ khi trong quý I có thêm 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, Bộ Xây dựng ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
"Đây là giai đoạn thách thức với những đơn vị không đủ năng lực cạnh tranh nhưng cũng là cơ hội để họ chuyên nghiệp, phát triển bền vững hơn", đại diện Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết.
Nguyên nhân khiến ngành địa ốc lao đao trong quý này không khác nhiều so với nhận định được Bộ Xây dựng đưa ra các tháng trước. Các doanh nghiệp vẫn đang phải thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu nợ, thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất, tinh giản bộ máy.
Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn vẫn chưa có cải thiện dẫn đến dự án phải giãn tiến độ, thậm chí dừng triển khai. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng cũng tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong quý I/2023, lần lượt có 940 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS thành lập mới, giảm 63% so với quý I/2022 và 341 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản giải thể tăng hơn 30,2% so với cùng kỳ.
Dù vậy, theo anh Ánh và anh Thức, sau những thông tin tích cực về gỡ khó cho ngành BĐS thời gian qua thì kể từ đầu tháng 4 lượng người quan tâm tới đầu tư BĐS đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, do đang ở thời gian đầu nên chủ yếu là nhà đầu tư tham khảo giá chứ lượng chốt giao dịch vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, những môi giới này vẫn đánh giá đây được xem là những tín hiệu tích cực với thị trường BĐS sau một thời gian dài trầm lắng vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường