Doanh nghiệp bánh trung thu: Thu hẹp sản xuất, bán hàng trực tuyến
Do ảnh hưởng dịch Covid và nhiều tỉnh thành đang phải giãn cách xã hội, mùa Trung thu năm nay các DN sản xuất bánh trung thu rơi vào cảnh đìu hiu. Hầu hết đã giảm bớt số lượng sản xuất, thậm chí có nhiều xưởng truyền thống không sản xuất, đồng thời đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.
Mùa Trung thu năm nay, trên khắp các tuyến phố, tuyến đường trên địa bàn Hà Nội không còn cảnh các ki-ốt tấp nập bày bán bánh Trung thu của những thương hiệu nổi tiếng nữa. Thông tin từ các DN sản xuất bánh kẹo cho thấy, giãn cách xã hội đã khiến thị trường bánh Trung thu sụt giảm mạnh nhất trong những năm qua. Trên thị trường, sức tiêu thụ sản phẩm này rất thấp, nhiều DN đã chủ động giảm sản lượng, trong đó phải kể đến các “đại gia” có thương hiệu như Kinh đô, Hữu Nghị, Hải Hà… thậm chí một số thương hiệu còn ra thông báo dừng sản xuất mặt hàng này do ảnh hưởng của Covid-19 như ABC Bakery, Kido Group…
Trên thực tế, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tại nhiều địa phương khiến sức mua giảm, kênh phân phối gặp khó, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí sản xuất theo đó cũng tăng trong khi các DN phải cố gắng giữ giá thành ổn định. Đại diện CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị Food) cho biết, sắp đến thời điểm Tết Trung thu nhưng sản lượng tiêu thụ các loại bánh vẫn rất ảm đạm. Lượng khách cơ quan, xí nghiệp, DN đặt mua bánh năm nay giảm nhiều so với năm ngoái, số lượng bánh đặt mua cũng giảm. Mặc dù Hữu Nghị đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất có diện tích 6,5 ha tại tỉnh Bắc Ninh với dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á nhưng dự báo trước được thị trường tiêu thụ năm nay sẽ kém nên ngay từ kế hoạch sản xuất, Hữu Nghị đã chủ động giảm sản lượng. Mặc dù giá nguyên liệu tăng nhưng để kích cầu tiêu dùng, DN vẫn cố gắng xây dựng chính sách giá phù hợp với các mức giá khác nhau hướng tới đa dạng đối tượng khách hàng. Giá bánh năm nay dao động từ 40 - 90 nghìn đồng/chiếc, các hộp đặc biệt với thiết kế tinh tế và những nguyên liệu hảo hạng cùng những hương vị mới lạ có giá từ 250 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/hộp. Năm 2021, bên cạnh một số dòng bánh truyền thống, Hữu Nghị cho ra mắt bộ sản phẩm bánh trung thu Momiji có giá dao động từ 350 nghìn đến hơn 1 triệu đồng/bộ sản phẩm. Những năm trước, Hữu Nghị đầu tư phân phối sản phẩm rộng khắp tại các cửa hàng tạp hoá, các siêu thị lớn nhỏ các quầy hàng và cả hình thức mua hàng online, với tổng số đến hàng nghìn điểm bán trực tiếp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mùa Trung thu năm nay, để đảm bảo phòng, chống dịch, DN đã chủ động mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến.
Là một DN lớn trên thị trường nhưng năm nay, CTCP bánh kẹo Hải Hà cũng rơi vào tình cảnh phải giảm mạnh lượng sản xuất. Bánh kẹo Hải Hà luôn tự hào là một thương hiệu bậc nhất của người Tràng An, Hà Nội cũng như của ngành bánh kẹo Việt Nam trong 6 thập kỷ qua. Hiện Hải Hà đã thiết lập được kênh phân phối rộng khắp 63 tỉnh thành trong cả nước với 115 nhà phân phối độc quyền. Đồng thời là nhà cung cấp lớn cho các hệ thống siêu thị như Vinmart, BigC, MMMarket, Coop mart, Lanchi… Tuy nhiên năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến lưu thông hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Nhận định được những khó khăn và thách thức đó, Hải Hà chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và giảm sản lượng tiêu thụ so với mọi năm.
Là một thương hiệu khá nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội, cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê, Tây Hồ cũng chung cảnh đìu hiu trong những ngày qua. Mặc dù đây là thời điểm sức tiêu thụ được cho là mạnh nhất.
Ông Phạm Hải Đăng, chủ cơ sở bánh Bảo Phương cho biết, năm nay giá nguyên liệu đã tăng 20% nhưng các sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo của cửa hàng vẫn cố gắng giữ giá để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, theo thống kê, lượng bánh đặt mua năm nay giảm đến 80%, và dự tính doanh thu cũng giảm tương ứng. Theo ông Đăng, hiện giờ cơ sở đã chủ động cho lập trang web, lập facebook, zalo và đăng ký các sàn thương mại điện tử để bán hàng.
Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội thì phương thức hiệu quả nhất đối với các DN lúc này là phân phối và bán hàng trực tuyến. Theo đó hầu hết các DN đã đẩy mạnh kênh phân phối rộng khắp của mình và trên các kênh thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin... Để tiêu thụ sản phẩm và tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua hàng, các DN cũng tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, các nhóm mua bán online, cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm. Theo các chuyên gia, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng biện pháp thu hẹp sản xuất và thị trường tiêu thụ bánh trung thu, các DN sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn và khó hoàn thành được mục tiêu kinh doanh đã đề ra trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận