Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ cần một “cái cớ” để tăng giá bán
Hai năm Covid-19 khiến kinh tế Mỹ khó khăn, lượng người thất nghiệp và vô gia cư tăng lên. Nhưng ít nhất có một nhóm tiêu dùng không mấy lo lắng về việc này, đó là top 20% người có thu nhập cao nhất nước…
Thực tế là, Mỹ càng tung ra những chính sách giải cứu khổng lồ thì người giàu càng thịnh vượng, trong khi người nghèo chưa bớt khó khăn. Thậm chí, các biện pháp khẩn cấp như Fed hạ lãi suất càng giúp họ càng giàu thêm. Trong khi giá trị tài sản ròng của hộ gia đình tăng lên mức kỷ lục mới, hàng trăm nghìn doanh nghiệp được dự báo đóng cửa vĩnh viễn, hơn 10 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp, và gần gấp ba lần số đó thiếu lương thực vào ban đêm.
"Có lẽ không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để trở nên giàu có ở Mỹ", Peter Atwater, Chuyên gia kinh tế tại Đại học William & Mary (Virginia) - người đã phổ biến khái niệm về mô hình phục hồi chữ K, nhận định với tờ CNBC. "Phần lớn những gì các nhà hoạch định chính sách đã làm là tạo điều kiện cho những người giàu nhất phục hồi nhanh nhất sau đại dịch".
Theo dữ liệu từ Opportunity Insights, thuộc Đại học Harvard, việc làm cho những người có thu nhập trên 60.000 USD một năm đã phục hồi lên trên mức một năm trước. Và khi các vụ đóng cửa diễn ra trên toàn quốc, hàng triệu người, đặc biệt là những người ở trên cùng của bậc thang kinh tế xã hội Mỹ vẫn rủng rỉnh tiền để chi vào những thứ như giải trí, ăn uống và du lịch.
Đương nhiên, kèm theo đó là việc hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đã ra mắt các sản phẩm được thiết kế riêng cho tầng lớp thu nhập cao - những người sẵn sàng và có khả năng chi trả nhiều tiền hơn. Tờ New York Times cho biết, chỉ trong ba tuần qua, gần 60 cuộc họp báo cáo thu nhập hoặc hội nghị nhà đầu tư của các công ty Mỹ có đề cập đến khái niệm cao cấp hóa sản phẩm. Với xu hướng này, các doanh nghiệp Mỹ hy vọng có thể tận dụng tỷ lệ lạm phát cao và mức độ chi tiêu mạnh tay của người tiêu dùng Mỹ để tiếp tục tăng giá bán hàng.
Tuy nhiên, xu hướng này có thể khiến người thu nhập thấp không thể mua sản phẩm mong muốn. Nhiều công ty giờ đây chỉ dành sự tập trung vào các khách hàng giàu có. Mục đích của họ là “dụ” khách hàng giàu có hơn mua các sản phẩm đắt đỏ hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn. “Các khách hàng cấp cao, dù không ‘miễn nhiễm’ trước suy thoái kinh tế, chắc chắn vẫn tiếp tục chi tiêu”, ông Stephen Squeri, Giám đốc điều hành của American Express, nói với các nhà phân tích.
Doanh nghiệp bán lẻ cần cái cớ để nâng giá thành. Xu thế này thể hiện rõ ràng hơn trong đại dịch, lan ra nhiều sản phẩm và dịch vụ khác. Tuy nhiên, chiến lược này không phải lúc nào cũng thành công. Hồi tháng 1, Walt Disney thừa nhận họ có thể đã tăng giá vé vào các công viên quá cao, khiến các khách hàng trung thành “quay lưng”. Công ty này sau đó đã phải xem xét lại chính sách về vé (bao gồm vé năm), khách sạn và chụp ảnh. Dù vậy, xu hướng cao cấp hóa sản phẩm có thể sẽ còn kéo dài, khi các công ty sẵn sàng bán ít sản phẩm hơn với mức giá cao hơn.
Hiện tượng này sẽ khiến nhóm khách hàng thu nhập thấp thua thiệt. Tạp chí Phố Wall mới đây cho biết phần đông người tiêu dùng nước này đang có xu hướng cắt giảm mua sắm đồ may mặc và hàng điện tử để ưu tiên mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Tờ báo dẫn ý kiến các chuyên gia phân tích và giám đốc điều hành các hãng bán lẻ cho biết lạm phát dai dẳng ở mức cao, những thay đổi trong thị trường lao động và tình trạng sụt giảm ở một số bộ phận của thị trường chứng khoán đã góp phần tạo ra những khó khăn cho đa số người tiêu dùng Mỹ.
Vì vậy, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng cắt giảm giao dịch cũng như là hạng mục mua sắm, chọn các thương hiệu nhỏ hơn với mức giá rẻ hơn. Dữ liệu từ Chính phủ Liên bang Mỹ cho thấy giá thực phẩm trong tháng 1 tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Walmart và Target cho biết, thực phẩm và đồ uống chính là những mặt hàng giúp các tập đoàn bán lẻ này có kết quả doanh thu tăng. Các chuỗi bán lẻ các mặt hàng giảm giá như T.J Maxx và Burlington Stores cũng báo cáo doanh thu tiếp tục tăng.
Giống với các hãng bán lẻ, một số chuỗi nhà hàng cũng không hưởng lợi quá nhiều từ tình hình tài chính được cải thiện của nhóm người thu nhập thấp, khi mà tầng lớp trung lưu bắt đầu lựa chọn những nhà hàng rẻ hơn. Chipotle là một ví dụ. Mặc dù họ có tệp khách hàng giàu có hơn so với các chuỗi thức ăn nhanh khác, nhưng giờ đang tiếp nhận số lượng khách nhiều hơn.
Các công ty tàu du lịch cũng là bên hưởng lợi bất ngờ nhờ việc các hộ gia đình giàu có không phải chịu quá nhiều sức ép. Các con tàu du lịch sang trọng thường được xem là thú vui xa hoa của người giàu, và trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì những chuyến đi xa hoa đó không thể được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, các hãng phân tích lại chỉ ra rằng lượng khách thuê các con tàu du lịch hạng sang thực sự tăng, điều này cho thấy những khách hàng giàu có vẫn tìm đến những kỳ nghỉ trên biển được bao gồm các dịch vụ ăn uống, giải trí và phòng ở với giá trọn gói.
Theo các chuyên gia, trong năm 2023, người tiêu dùng Mỹ sẽ ở trong tình trạng kinh tế khó khăn hơn so với năm 2022, dù giá hàng hóa có thể không tăng mạnh như năm ngoái. Chính yếu tố đó đã tác động đến dự báo triển vọng không mấy khả quan của ngành bán lẻ nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận