Doanh nghiệp Anh ‘lao đao’ vì thuế tăng sau đại dịch
Các doanh nghiệp của Vương quốc Anh mới đây đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính nước này Rishi Sunak ngừng tăng thuế và thay vào đó là cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của Brexit, đại dịch và khủng hoảng khí hậu.
Theo Reuters, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) đã kêu gọi ông Sunak xem xét lại hệ thống thuế trước khi ông trình bày kế hoạch ngân sách vào ngày 27/10 tới đây.
Ông Danker khuyên Bộ trưởng Sunak ngừng tăng thuế đối với các công ty đang đầu tư vào việc giảm lượng khí thải carbon. Giám đốc CBI cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng mới và viết lại các quy luật thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư tư nhân.
Vào đầu tháng 9/2021, CBI và các nhà tuyển dụng khác đã gặp khó khăn từ việc tăng các khoản đóng góp cho an sinh xã hội. Theo các doanh nghiệp này, các khoản chi tiêu không cần thiết sẽ dẫn đến việc số lượng nhân viên giảm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Trước đó, vào tháng 3/2021, chính phủ Anh thông báo sẽ tăng thuế đối với các tập đoàn từ năm 2023 để thu hẹp khoản lỗ ngân sách còn lại sau khi nước này chi 350 tỉ bảng Anh (485 tỉ USD) để chống lại đại dịch Covid-19.
“Tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi chính phủ cho rằng việc đánh thuế kinh doanh không gây hậu quả gì đối với tăng trưởng kinh tế”, ông Danker nói.
Bên cạnh thông báo ngân sách công bố vào tháng 10 tới, Bộ trưởng Sunak và Thủ tướng Boris Johnson cũng sẽ thảo luận về kế hoạch đầu tư với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các định chế đầu tư.
Mức tăng năng suất của Anh thấp hơn 20% so với Mỹ, Pháp và Đức trong hai thập niên qua. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đầu tư kinh doanh của Anh cũng bị tụt lại phía sau so với 3 quốc gia trên mỗi năm ít nhất kể từ năm 2000.
Anh đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động kỷ lục gây cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. GDP chỉ tăng 0,1% trong tháng 7, mặc dù chính phủ đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế được áp dụng trong thời kỳ đại dịch. Một phần của sự thiếu hụt nhân viên là do Brexit, điều này khiến nhiều người di cư không thể xin được thị thực làm việc tại Anh.
Ví dụ, các hãng vận tải đường dài đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt tài xế xe tải trong nước dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung. Chính phủ thậm chí đã đơn giản hóa các yêu cầu cấp bằng lái xe, nhưng một số quan chức nghi ngờ rằng biện pháp này sẽ không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận