Đổ hơn 42,9 nghìn tỷ vào Dung Quất, Hoà Phát của ông Trần Đình Long gặp khó?
Báo cáo tài chính quý 2/2019 cho thấy, Hoà Phát của ông Trần Đình Long đã đổ hơn 42,9 nghìn tỷ vào dự án Khu liên hiệp gang thép Dung Quất tính đến hết tháng 6/2019. Theo đó, quy mô nợ vay của Hòa Phát (HPG) cũng tăng thêm khoảng 11.000 tỷ đồng và trung bình mỗi ngày Tập đoàn phải trả hơn 2,5 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Thời kỳ hoàng kim của ngành thép đã khép lại
Quay trở lại thời điểm cuối tháng 3/2018, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Chủ tịch Trần Đình Long, người khi đó vừa được Forbes vinh danh là tỷ phú USD, đã dành nhiều thời gian chia sẻ về dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất.
Theo ông Trần Đình Long, Hòa Phát có rất nhiều việc phải làm với dự án này, thậm chí công việc còn vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, khi hoàn thành, Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất sẽ tạo nên tầm vóc mới, một diện mạo mới cho Hòa Phát.
"Nói đơn giản, doanh thu Hòa Phát sẽ tăng gấp đôi và lợi nhuận cũng sẽ tăng tương ứng, Hòa Phát từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4", ông Trần Đình Long ví von.
Theo dự báo của một số công ty chứng khoán lúc đó, đến năm 2020, khi hoàn thành khu liên hợp gang thép, sản lượng Hòa Phát sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn, đứng nhất nhì khu vực Đông Nam Á và đứng trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
Nhưng rồi những diễn biến phức tạp của thị trường thép nửa cuối năm 2018, cùng áp lực đầu tư mở rộng kinh doanh, dồn lực cho Khu liên hợp Hoà Phát Dung Quất hai trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận lớn trong quý IV.2018 của Hoà Phát, chỉ còn 1.760 tỷ đồng, dù doanh thu tăng trưởng 12%. Đó là quý đầu tiên lợi nhuận của Hoà Phát bị giảm xuống dưới 2.000 tỷ đồng kể từ quý III.2017.
Và tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Hoà Phát, ông Trần Đình Long đã chia sẻ: “Thời kỳ lợi nhuận vàng của ngành thép khó lòng quay lại!”.
Giá quặng sắt lên cao đã "ăn mòn" lợi nhuận Hoà Phát trong các quý kinh doanh gần đây. (Ảnh minh hoạ)
Hiện tại, sau khi Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) công bố báo cáo tài chính quý II/2019, giới đầu tư và phân tích đã phần nào hiểu hơn những khó khăn khiến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và toàn ngành thép chững lại.
Cụ thể, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần gần 15.100 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2018. Luỹ kết 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thu về hơn 30.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.
Song lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lại đi ngược chiều doanh thu. Theo đó, lợi nhuận Hoà Phát trong quý II/2019 lại giảm 7%, xuống 2.050 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm giảm 13%, xuống 3.860 tỷ đồng.
Một kết quả kinh doanh được ông Trần Đình Long nhận xét tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vào chiều 25/7 là “khá tốt và đạt kế hoạch đề ra”.
Song nếu đặt mốc lợi nhuận 2.000 tỷ đồng nhằm đánh giá tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua, nhà đầu tư sẽ dễ dàng nhận ra xu hướng đi xuống của Hoà Phát trong 3 quý kinh doanh gần nhất.
Nguyên nhân là do trong 6 tháng đầu năm, giá vốn của Hòa Phát tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng của doanh thu (14% so với 10%), đồng thời các loại chi phí cũng đồng loạt tăng mạnh, như chi phí tài chính tăng 63%, chi phí bán hàng tăng 55%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 25%.
Cùng với đó, giá quặng sắt vượt mức 120 USD/tấn, tăng gần gấp 2 lần cùng kỳ năm 2018 đã khiến ngành thép của thế giới và Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn.
Theo dự báo, biên lợi nhuận của Hòa Phát trong quý III/2019 sẽ chịu ảnh hưởng mạnh do từ giá quặng cao trong quí II.
Hoà Phát trả bình quân 2,5 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày
Về các khoản nợ của Hoà Phát, trong tổng tài sản tại ngày 30/6/2019 đạt 93.017 tỷ đồng, nợ phải trả của doanh nghiệp đã tăng thêm 11.162 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/Tổng tài sản của Hòa Phát vì vậy cũng tăng từ 48% lên 52,4%.
Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 2.468 tỉ đồng, tương ứng 21%; khoản phải trả người bán dài hạn tăng 3.795 tỷ đồng, tương ứng 230%; khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 7.495 tỷ đồng, tương ứng 59%. Riêng khoản nợ vay và nợ thuê tài chính dài hạn không được Hòa Phát thuyết minh cụ thể.
Và song hành với xu hướng gia tăng con số vay, Hoà Phát đã phải trả khoảng 462 tỷ đồng chi phí lãi vay sau 6 tháng đầu năm. Như vậy, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp “gánh” khoảng 2,2 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Lượng nợ vay tăng và chi phí lãi vay tăng lên trong thời gian vừa qua, theo dự đoán, nhiều khả năng được dùng để tài trợ việc xây dựng cơ bản Dự án Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất.
Phối cảnh khi liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất. (Ảnh minh hoạ)
Theo thông tin do ông Trần Đình Long đưa ra, thời điểm 30/6/2019, Hòa Phát đang hạch toán chi phí dở hang gần 43.000 tỷ tại dự án này. iai đoạn 1 của dự án đi vào công đoạn cuối cùng, đầu tháng 7 bắt đầu thử nguội và thử nóng dây chuyền đồng bộ lò cao, luyện thép và cán thép. Tiến độ khu Dung Quất hiện đạt kế hoạch đặt ra, dự kiến đến tháng 3/2020 sẽ có thép cán nóng.
Khi Dung Quất đi vào hoạt động, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn, ông Long tự tin "sẽ bán hết".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận