Định hình gói tài khoá, tiền tệ phục hồi kinh tế
Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư hướng sự chú ý tới gói tài khoá, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế quy mô 347.000 tỷ đồng - đang được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội.
176.000 tỷ đồng “tiền tươi”
Không chờ đến phiên họp giữa năm như thường kỳ, Quốc hội khoá XV đã tổ chức họp bất thường từ ngày 4/1/2022 để bàn về 4 nội dung quan trọng, trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.
Theo tờ trình tóm tắt của Chính phủ, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, gói hỗ trợ bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng quy mô gói hỗ trợ này lên tới 347.000 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tài khoá 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu thực hiện hiệu quả, chương trình này có thể giúp GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu thực hiện hiệu quả, chương trình này có thể giúp GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
“Trong trường hợp không thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5,4%/năm”, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 5/12/2021, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nếu triển khai kịp thời chương trình phục hồi đặc biệt, GDP năm 2022 có thể đạt 6-7,7%, ngược lại chỉ đạt từ 4 - 4,5%.
Ủng hộ dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, song nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm cần cơ cấu lại chính sách này sao cho cân đối, cụ thể, chi tiết hơn để có thể đến được đúng đối tượng cần thụ hưởng.
Thảo luận tại tổ chiều 4/1/2022, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, so với quy mô 291.000 tỷ đồng của gói tài khoá thì "gói tiền tệ còn hơi mờ nhạt", chỉ có 46.000 tỷ đồng. Trong khi đó số tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thực tế vẫn là chính sách tài khoá bỏ ra.
Đồng thời, ông Cường đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm giải pháp bảo lãnh vay, trong bối cảnh doanh nghiệp hiện còn khó khăn, khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất và nếu tiếp cận được thì sự hỗ trợ cũng không nhiều.
Bên hành lang Quốc hội sáng 5/1, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, gói hỗ trợ được thiết kế rất linh hoạt để sử dụng hợp lý nguồn lực tài khoá và tiền tệ, hạn chế ảnh hưởng đến vĩ mô. Tuy vậy, ông Cường cũng lưu ý, quy mô cả gói là 347.000 tỷ đồng nhưng đa số nằm trong các phần giãn, hoãn thuế, phí; tiền mới đưa vào hỗ trợ thực tế chỉ có 176.000 tỷ đồng.
“Với nguồn lực quá nhỏ như vậy, nên xác định rõ ưu tiên vào đâu, trong khoảng thời gian bao lâu. Nếu quá dàn trải trên nhiều lĩnh vực hoặc thời gian áp dụng quá dài thì đều không mang lại hiệu quả kinh tế, không mang lại ý nghĩa cho phục hồi”, ông Cường nói.
Vị đại biểu cũng cho biết, khi xem danh mục dự án dự kiến nhận hỗ trợ, ông thấy các dự án giao thông chiếm tới 103.000 tỷ đồng trên tổng số 176.000 tỷ đồng “tiền tươi” đưa vào sử dụng, trong đó có những dự án kéo dài đến năm 2025. Theo ông Cường, một số dự án giao thông trong đó nên đưa vào chương trình đầu tư công, thay vì chương trình phục hồi kinh tế.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu quan điểm, gói tài khoá, tiền tệ đang được bàn bạc đã đủ chi tiết ở các hạng mục, nguồn lực thực hiện, tuy nhiên các giải pháp cụ thể để thực thi thì chưa rõ ràng.
“Chừng nào chưa quy định cụ thể hỗ trợ cho ai, điều kiện giải ngân ra sao, điều kiện tiếp cận thế nào thì tính khả thi của việc triển khai gói đó cũng cần phải bàn thêm”, bà Thảo nói.
Nhận diện những ngành sớm hưởng lợi
Trên thị trường chứng khoán, những phiên giao dịch đầu năm 2022 chứng kiến đà tăng trưởng tích cực khi chỉ số VN-Index vượt qua đỉnh cũ 1.500,81 điểm của ngày 25/11/2021, đóng cửa phiên giao dịch 6/1 ở mức 1.528,57 điểm; khối lượng giao dịch trung bình khoảng 35.000 tỷ đồng/phiên.
Theo các chuyên gia, đà tăng điểm này có một phần nguyên nhân là tính chu kỳ - tâm lý nhà đầu tư giai đoạn đầu năm thường tích cực, song chủ yếu do tác động của gói tài khoá, tiền tệ đang được thảo luận ở nghị trường.
Phiên chiều 6/1, trên sàn HOSE có tới 38 cổ phiếu tăng trần, đa phần trong số đó thuộc nhóm ngành bất động sản và hạ tầng, nhóm được dự đoán sẽ hưởng lợi nhờ gói kích thích kinh tế như GEX, ITA, SCR, DXG, HHS, KHG, SAM, OGC, MCG, HAR, VNE, CTD, HBC, TCH, FCN…
Đáng lưu ý, mặt bằng giá mới hiện nay của thị trường thực chất đã phản ánh tác động này sớm hơn, từ tháng 9/2021, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu công bố Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có gói tài khoá tiền tệ đang bàn bạc.
Theo bà Thảo, khi gói tài khoá, tiền tệ được triển khai, ngành dịch vụ là đối tượng đầu tiên và trực tiếp được hưởng lợi. Bất động sản và xây dựng thì hưởng lợi từ chính sách kích cầu đầu tư công. Mặt khác, những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp cốt lõi, có vai trò kết nối chuỗi cung ứng, dẫn dắt thị trường sẽ có thêm dư địa để phát triển.
Báo cáo chiến lược thị trường mới công bố của Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) chỉ ra yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong nửa đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022.
Từ đó, SSI Research dự báo một số ngành có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn ngay trong nửa đầu năm 2022 là ngân hàng, chứng khoán, thủy sản, dệt may, vận tải biển, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản dân cư…
SSI Research đã lựa chọn Top 5 cổ phiếu ưa thích gồm CTG, MWG, KDH, HAH, TNH và khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi STB, NTC, MSN, VCB, CTD, DGW, VHC, FPT, PLC, PNJ.
Nhấn mạnh tiềm năng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect chia sẻ, năm 2022, ngân hàng là một trong những ngành được hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy đầu tư công và phục hồi cầu tín dụng, mặc dù tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng năm nay có thể thấp hơn năm 2021.
“Tuy vậy, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Bởi trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế. Bên cạnh đó, nợ xấu nhiều khả năng sẽ tăng cao trong một vài quý tới, vì vậy, những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và dự phòng tài chính dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý”, bà Hiền lưu ý.
Đưa ra chủ đề đầu tư năm 2022 là tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành, Công ty Chứng khoán ngân hàng Agribank (Agriseco) khuyến nghị 10 cổ phiếu mà nhà đầu tư nên nắm giữ ngay từ đầu năm: C4G, FPT, GMD, HT1, MWG, POW, PVD, TNG, TPB, VCG.
Đáng lưu ý, quá nửa trong số cổ phiếu này được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ gói kích thích nói trên. Cụ thể, C4G (Tập đoàn CIENCO4) là đơn vị vừa trúng hàng loạt gói thầu lớn như dự án cao tốc Bắc – Nam và được kỳ vọng trúng các gói thầu liên quan tới sân bay Long Thành trong 1-2 năm tới. Hay HT1 (Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên) đang nắm giữ 30% thị phần xi măng ở phía Nam. FPT, MWG đều là những doanh nghiệp hưởng lợi nhờ chính sách ưu tiên phát triển lĩnh vực chuyển đổi số và kích cầu tiêu dùng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận