Định giá cổ phiếu Ngân hàng Vietcombank (VCB) hiện đã đủ hấp dẫn?
Dưới áp lực bán ròng của khối ngoại cùng việc thiếu câu chuyện dẫn dắt đủ “hấp dẫn”, định giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank hiện chỉ dao động quanh ngưỡng 2,5x P/B.
Áp lực bán từ các quỹ nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ ETF, cũng như động thái chốt NAV của các quỹ tập trung vào Việt Nam đã khiến các cổ phiếu vốn hoá lớn trên thị trường sụt giảm đáng kể trong 3 tháng vừa qua.
Điển hình, đà tăng của cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB - sàn HoSE) đã bị thu hẹp từ mức đỉnh 21% (đạt được hồi cuối tháng 2/2024), xuống còn khoảng 6% vào cuối tháng 6/2024, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay (khoảng 10%).
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Maybank, ngoài lý do kỹ thuật từ việc luân chuyển dòng tiền của các quỹ ngoại, về mặt cơ bản, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Vietcombank cũng chưa có câu chuyện “đủ hấp dẫn” để thu hút dòng tiền.
Trong đó, kết quả kinh doanh khiêm tốn trong nửa đầu năm nay do tăng trưởng tín dụng chậm cùng với việc chưa đưa ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể cho năm 2024, khiến các nhà đầu tư nước ngoài bối rối, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, hay kế hoạch chia cổ tức cũng tiến hành chậm hơn do phải chờ sự phê duyệt từ các cơ quan chức năng, Chứng khoán Maybank đánh giá.
Diễn biến giá các cổ phiếu ngân hàng và chỉ số VN-Index trong 6 tháng đầu năm nay.
Có thể nói, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank đang đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” trong thời gian hiện tại. Tuy nhiên, nếu nhìn lại nội lực của ngân hàng này, như các chỉ số an toàn, chất lượng tài sản, và tiềm năng gia tăng lợi nhuận trong nửa cuối năm nay để đạt mức ROE từ 18% trở lên nhằm hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn trong năm 2025.
Với chất lượng ROE cao và có thể duy trì ổn định trên 18%, quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường, ngang ngửa với các ngân hàng của Thái Lan hay Malaysia, và room ngoại luôn sẵn có, Ngân hàng Vietcombank được đánh giá là ngân hàng mang tính đại diện của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ở mỗi một thị trường đang phát triển, thường có 1 ngân hàng đại diện như này (Proxy-status bank) và định giá của các ngân hàng này thường vượt xa so với các ngân hàng cùng ngành khác. Ví dụ, ngân hàng HDFC của Ấn Độ hoặc ngân hàng BCA của Malaysia có mức định giá P/B dao động trong khoảng 4x - 5x.
Theo đánh giá của Chứng khoán Maybank, với mức định giá đang giao dịch ở mức khoảng 2,5x P/B, định giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank đang ở mức rất thấp so với các ngân hàng cùng vị thế trong khu vực.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank trong 12 tháng qua.
Nhìn lại lịch sử niêm yết, cổ phiếu VCB cũng từng nhiều lần đạt mức định giá của một ngân hàng đại diện với mức 4x P/B trong giai đoạn 2017 – 2018 và 2021 – 2022 khi thị trường ghi nhận dòng tiền lớn, nhất là tiền từ nhà đầu từ nước ngoài.
Nếu giữ nguyên giá hiện tại và ước tính giá trị sổ sách mà Ngân hàng Vietcombank có thể đạt được vào cuối năm 2024 khi có thêm lợi nhuận tích luỹ thì giá cổ phiếu VCB chỉ đang giao dịch ở mức P/B dự phóng vào cuối năm nay là khoảng 2,5x P/B, thấp hơn 36% so với mức định giá bình quân 5 năm gần đây và thấp hơn 60% so với mức định giá thông thường của 1 ngân hàng đại diện, theo Chứng khoán Maybank.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc hồi phục trong nửa cuối năm, các ngân hàng đầu ngành như Ngân hàng Vietcombank được kỳ vọng sẽ là những đại diện hưởng lợi trực tiếp. Đồng thời, những chuyển động rõ ràng hơn trong tiến trình nâng hạng lên “thị trường mới nổi” do FTSE xếp hạng kỳ vọng sẽ giúp thu hút dòng tiền lớn của nước ngoài quay lại và giúp cổ phiếu VCB được tái định giá từ mức rất thấp như hiện nay lên mức tương xứng cho một ngân hàng mang tính đại diện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận