Điều gì đang thúc đẩy nhu cầu mua vàng của các Ngân hàng Trung ương?
Các Ngân hàng Trung ương đã tích lũy vàng với tốc độ nhanh nhất trong 2 tháng đầu năm 2023.
Theo một báo cáo của Krishan Gopaul thuộc Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council, WGC), các Ngân hàng Trung ương đã tích lũy vàng với tốc độ nhanh nhất trong 2 tháng đầu năm 2023. Trong tháng 1 và tháng 2, các Ngân hàng Trung ương đã cùng nhau mua ròng 125 tấn kim loại này, mức cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay kể từ khi các ngân hàng mua ròng vào năm 2010.
Các quốc gia báo cáo mua nhiều nhất trong 2 tháng đầu năm là Singapore (51,4 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (45,5 tấn), Trung Quốc (39,8 tấn), Nga (31,1 tấn) và Ấn Độ (2,8 tấn). Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố bản cập nhật dự trữ vàng lần đầu tiên sau khoảng một năm, vì vậy 31,1 tấn có thể được tích lũy trong vài tháng thay vì vào tháng 1 và tháng 2.
Các Ngân hàng Trung ương đã tích lũy vàng với tốc độ nhanh nhất trong 2 tháng đầu năm 2023 |
Trong khi đó, rất ít Ngân hàng Trung ương của các nước giảm dự trữ vàng. Những nước bán ròng là Kazakhstan, Uzbekistan, Croatia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mặc dù lượng mua từ đầu năm đến nay vượt xa lượng bán.
Dòng tiền ròng chảy vào các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng đã chuyển biến tích cực vào tháng 3 sau 10 tháng liên tiếp dòng tiền chảy ra khi giá kim loại này cũng chạm mức cao kỷ lục mới.
Lý giải những yếu tố đang thúc đẩy nhu cầu mua vàng, World Gold Council cho biết, mục tiêu chiến lược của Ngân hàng Trung ương sẽ khác biệt so với các nhà đầu tư tổ chức. Lượng dự trữ chính thức phải được ký gửi vào các tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao. Định hướng đầu tư cho Ngân hàng Trung ương của các nước đang phát triển thường rất hạn chế, thường chỉ giới hạn ở vàng, quỹ tiền tệ đặc biệt (SDRs), số dư dự trữ của IMF, trái phiếu chính phủ được xếp hạng cao và tiền gửi.
Sự hạn chế về các lựa chọn đầu tư khiến các Ngân hàng Trung ương vô cùng phụ thuộc vào trái phiếu của các nền kinh tế phát triển, tạo ra sự mất cân đối trong các khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, lợi suất thực của các trái phiếu chính phủ này vẫn rất thấp, thậm chí là âm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các Ngân hàng Trung ương có nguy cơ chịu thiệt hại lớn trong trường hợp các nền kinh tế phát triển không thể trả nợ được. Hơn nữa, những quốc gia này đã chứng kiến các vấn đề về nợ xảy ra trong quá khứ, ví dụ như khủng hoảng nợ ở Châu Âu, và vẫn đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, các rủi ro phá sản khác như tài sản bị đóng băng do lệnh trừng phạt cũng đang gia tăng, khiến các trái phiếu trở nên ít hấp dẫn trên một số thị trường. Cuộc chiến tiền tệ cũng vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng cho các Ngân hàng Trung ương.
Trong bối cảnh này, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản dự trữ khác. Loại tài sản không có rủi ro chính trị, không bị suy giảm giá trị như tiền tệ, cũng như không thể bị áp đặt giá trong cuộc chiến tiền tệ. Các cuộc khảo sát toàn diện của World Gold Council xác nhận rằng vàng là một tài sản dự trữ quan trọng - được đánh giá cao vì hiệu suất của nó trong thời điểm khủng hoảng, khả năng giữ giá trị lâu dài và không có rủi ro vỡ nợ. “Chúng tôi cũng xác nhận rằng các nhà điều hành Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới mong đợi sự tăng trưởng dự trữ vàng toàn cầu trong tương lai”, World Gold Council nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận