Điệp khúc 'cứ cuối năm lại xới tung vỉa hè'
Sao người ta không đào vỉa hè vào các thời điểm khác trong năm mà cứ tới cuối năm, khi nhu cầu đi lại tăng cao mới bày ra làm?
Vào những tháng cuối năm và giáp Tết, nhiều tuyến đường Hà Nội lại như đại công trường khi các máy móc đào bới, vật liệu ngổn ngang... phục vụ thi công lát vỉa hè, đặt đường dẫn ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tôi cứ tự hỏi, việc đào đường này tại sao không làm trong thời gian khác trong năm mà chỉ tập trung vào cuối năm?
Chiều thứ sáu tuần trước (khi chỉ còn 28 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán), tôi đi làm về đến nhà thì đã thấy cả khu phố nơi tôi ở bị đào lên. Cả tuần mưa phùn, trước cửa nhà của mọi người là cống mới đào, ngổn ngang đất cát, bẩn thỉu vô cùng. Tôi tạm dừng xe trước cửa định cất đồ vào trong trước rồi cho xe vào sau, không ngờ vừa dựng chân chống xe tôi đã bị trượt chân ngã xuống cống mới đào và không thể tự đứng dậy được. May mắn đúng lúc đó có cô hàng xóm nhìn thấy, vội chạy tới kéo tôi dậy và dìu vào nhà, rồi gọi cậu em nhà bên sang đưa xe vào nhà giúp tôi.
Chân tay tôi bị đập xuống cống nên thâm tím, chảy máu. Em hàng xóm nói: "Hôm nay có mấy người đi qua phố nhà mình đều bị ngã xe vì trời mưa, cống rãnh đào ngổn ngang đất cát, chứ không phải có mỗi mình chị bị ngã". Tôi thầm biết ơn mấy người hàng xóm của mình đã giúp đỡ kịp thời, đúng lúc tôi cần nhất.
Tôi hiểu rằng, việc đào cống lên để lắp đặt đường ống mới là vì mục đích tốt, giúp sinh hoạt của người dân thuận tiện hơn. Nhưng tôi chỉ không hiểu bao nhiêu năm nay, tại sao người ta không thể làm lại cống, đường, vỉa hè vào các thời điểm khác trong năm mà cứ tới dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại và buôn bán của người dân tăng cao mới bày ra làm gây bất tiện, cản trở đến cuộc sống của người dân?
Tôi nghe người đồng nghiệp của mình kể rằng đợt này khu nhà em cũng bị đào hết vỉa hè phía trước nhà. Nghĩa là, không phải chỉ có khu nhà tôi bị đào đường dịp cuối năm mà cả nơi khác cũng bị như thế. Mỗi khi vỉa hè bị đào bới, vật liệu xây dựng tập kết ngổn ngang, mặt đường bị xới tung để thi công. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào những ngày mưa phùn. Thậm chí, có những đoạn đường lổn nhổn cát, đá khiến công việc kinh doanh của nhiều hộ dân cũng bị ảnh hưởng.
Đi tìm nguyên nhân cho câu hỏi "tại sao cứ đến cuối năm thì người ta mới đào đường?", tôi thấy có lý giải hợp lý vì duyệt vốn, giải ngân quá chậm. Theo quy trình, để phê duyệt chủ trương đầu tư, trước đó dự án phải được Hội đồng nhân dân thông qua, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn. Tiếp đó, UBND quận lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, lấy ý kiến của rất nhiều Sở, như: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, GTVT, Tài nguyên và Môi trường. Sau đó dự án mới được trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.
Các công trình trước khi thực hiện cũng đều phải lên kế hoạch ngay từ đầu năm. Trên cơ sở kế hoạch đề ra, người ta sẽ lên phương án thiết kế, phê duyệt dự án và ghi vốn theo quy định. Tuy nhiên, thời gian chờ duyệt vốn quá lâu nên khi có vốn thì mới tiến hành thi công được, dẫn đến việc năm nào cũng xảy ra như thế. Tại sao, chúng ta không có giải pháp gì để thay đổi? Tôi nghĩ rằng có rất nhiều giải pháp có thể thực hiện, chỉ là chúng ta có quyết tâm áp dụng hay không?
Thứ nhất, cần có sự phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý cơ sở hạ tầng, mặt đường, vỉa hè, chủ động dự trù trước.
Thứ hai, bộ phận giám sát phải có sự thống nhất, có nhiều kinh nghiệm chuyên ngành.
Thứ ba, quy định khi mở rộng đường, đô thị đều phải có thiết kế hào kỹ thuật để ngầm hóa.
Thứ tư, ngầm hóa toàn bộ những công trình kỹ thuật sao cho khoa học, bài bản, lâu dài nhằm hướng tới một đô thị hiện đại và văn minh. Đầu tư hào kỹ thuật đặt hai bên vỉa hè với kết cấu chắc chắn, không thấm nước, kích thước dự trù sẵn cho phát triển tương lai và cho người công nhân lên xuống thao tác vận hành sửa chữa.
Thứ năm, cung cấp dịch vụ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, viễn thông trong quá trình quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Thứ sáu, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng về mức phí thuê bao sử dụng hào kỹ thuật.
Thứ bảy, xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi nhà đầu tư để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào kỹ thuật.
Thứ tám, công khai, minh bạch tất cả dự án cải tạo nền đường, vỉa hè để người dân được rõ.
Thứ chín, tăng cường kiểm tra giám sát để tránh việc lợi dụng kẻ hở vẽ ra nhiều dự án để giải ngân hết số tiền được phân bố trong năm.
Cuối cùng, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các nhà thầu công trình giao thông để xảy ra tình trạng vật liệu xây dựng cản trở an toàn giao thông.
Ngoài ra, còn có một số giải pháp khác có thể áp dụng như phương án vay vốn ngân hàng hoặc ứng trước vốn cho các đơn vị thi công. Việc làm này cần được trải đều ra các thời kỳ trong năm, nhất là dịp hè khi học sinh nghỉ học để tránh ảnh hưởng đến việc đi lại và buôn bán của người dân vào dịp cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận