menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hà

Điện nhập khẩu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ

EVN cho biết đang rất nỗ lực đàm phán để huy động các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

Ngày 26-5, đại diện Bộ Công Thương cho biết bộ vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đối với các dự án điện gió, điện mặt trời (ĐMT) chuyển tiếp, nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án vào vận hành.

Không hẳn là thiếu mới nhập!

Chỉ đạo của Bộ Công Thương được đưa ra trong bối cảnh nhiều dự án điện gió, ĐMT chưa được hòa lưới. Đây là sự lãng phí lớn được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận tại kỳ họp đang diễn ra. Cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh việc đàm phán giá mua điện các dự án điện gió, ĐMT hiện nay vẫn đang gặp ách tắc, gây lãng phí lớn. Theo bà Yên, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, song giờ không thể đấu nối, phát điện trong khi kinh tế thiếu điện, phải tăng mua của Lào, Trung Quốc.

Cũng nhấn mạnh đến sự lãng phí khi nhiều nhà máy điện gió, ĐMT chưa thể đấu nối, bán điện, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng nếu vướng mắc vì thủ tục, trong khi thủ tục cũng do con người đặt ra, thì cần sớm làm rõ vấn đề này để tháo gỡ vướng mắc.

Điện nhập khẩu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ
Một dự án điện mặt trời mái nhà ở tỉnh Long An Ảnh: PHƯƠNG AN

Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chiều 26-5 cho biết nhập khẩu điện từ nước ngoài là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ. Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm bảo đảm tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực.

Theo ông An, Việt Nam nhập từ Lào khoảng 7 triệu KWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu KWh/ngày. Sản lượng điện miền Bắc là 450 triệu KWh/ngày, trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu KWh/ngày, tức tỉ trọng điện nhập khẩu rất thấp. "Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau" - lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ.

Một số chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) lĩnh vực năng lượng tái tạo chỉ ra việc đặt vấn đề lãng phí nguồn năng lượng tái tạo khi chưa huy động lên lưới hàng chục dự án điện gió, ĐMT, trong khi phải đi nhập điện từ Lào, Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay là phiến diện. Cụ thể, miền Bắc đang thiếu điện trong khi các dự án điện năng lượng tái tạo tập trung nhiều ở miền Trung, đường dây 500 KV đã quá tải nên không thể tải điện ra miền Bắc. Với thực trạng đường dây hữu hạn, các dự án điện gió, ĐMT chuyển tiếp có nối lưới cũng không thể tải điện ra miền Bắc được.

Giải thích cụ thể hơn, phía Bộ Công Thương cho biết hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn. Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, các công trình lưới điện phục vụ đấu nối nhập khẩu điện để bảo đảm hiệu quả tối đa sản lượng điện nhập khẩu theo các hợp đồng/thỏa thuận đã ký.

Nhiều chủ đầu tư chưa đủ hồ sơ

Liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo chưa thể hòa vào lưới, phía EVN cho hay tính đến ngày 26-5, đã có 52/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số này, có 36 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT, ngày 7-1-2023, của Bộ Công Thương), trong đó có 19 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán (PPA). Ngoài ra, có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang tiến hành thử nghiệm; 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình; 17 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.

Về việc chậm đàm phán, vận hành các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết một phần do nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng nên chưa đáp ứng thủ tục pháp lý. Một số chủ đầu tư được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được. Vì thế, số dự án này chưa thể đàm phán giá với EVN. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp phép hoạt động điện lực cho dự án.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng bản thân các chủ đầu tư cần nỗ lực hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định. Với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm thời, ông An cho biết đã yêu cầu EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới điện. Các nhà máy điện còn lại cần thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27-5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.

Đối với những dự án có thủ tục đấu nối hết hạn trước thời hạn trên và đang thử nghiệm, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các công ty điện lực địa phương phải cùng chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các DN vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư và cấp giấy phép hoạt động điện lực với dự án đã hoàn thành. "Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đối với các hồ sơ liên quan đến các dự án điện tái tạo, khi gửi lên bộ phải giải quyết ngay trong ngày" - ông An nêu rõ tinh thần khẩn trương của bộ và khẳng định tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của bộ để sớm phát điện lên lưới.

Liên quan đến đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết EVN đang rất nỗ lực đàm phán để huy động các dự án điện gió, ĐMT chuyển tiếp. Liên tục mấy ngày nay, EVN công bố thông tin tiến độ đàm phán, cho thấy nỗ lực và sự minh bạch của tập đoàn. Tuy nhiên, ông lưu ý công văn của Bộ Công Thương gửi các bên liên quan là nhằm kêu gọi phối hợp. Còn thực tế có đàm phán, ký hợp đồng được hay không còn liên quan nhiều vấn đề khác, đặc biệt là pháp lý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại