Điện mặt trời mái nhà được bán điện nếu không đấu nối lưới điện quốc gia
Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất lại các giải pháp phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà, trong đó bày tỏ quan điểm mới là xem xét cho mua bán điện với điều kiện cả nguồn - phụ tải không có sự liên kết với lưới điện quốc gia.
Trong báo cáo này, khi giải thích về nội hàm điện mặt trời “tự sản, tự tiêu”, Bộ Công Thương cho biết hiện nay pháp luật về điện lực chưa có quy định nguồn điện tự sản, tự tiêu.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch điện VIII có nêu “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”.
Bộ Công Thương cho rằng "tự sản tự tiêu" để tiêu thụ tại chỗ (cùng địa chỉ lắp đặt điện mặt trời mái nhà hay tiêu thụ cho chính phụ tải sau công tơ đo đếm điện có cùng địa chỉ lắp đặt điện mặt trời mái nhà).
Nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không đấu nối hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì có thể phát triển không giới hạn. Ảnh: Hoàng Hà.
Trường hợp nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối hay liên kết (nối sau công tơ đo đếm điện) với lưới điện quốc gia nhưng không bán điện vào hệ thống điện thì tổng công suất tăng thêm trên cả nước đến năm 2030 là 2.600 MW (Quy hoạch điện VIII).
Trường hợp nguồn điện tự sản tự tiêu không đấu nối, hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển đến năm 2030 có thể không giới hạn.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương bày tỏ, trong trường hợp này, "có thể xem xét cho phép các tổ chức mua bán điện với điều kiện cả nguồn - phụ tải không có sự liên kết với lưới điện quốc gia".
Dù vậy, cơ quan này lưu ý, nguồn điện tự sản tự tiêu cũng chưa có quy định thuộc đối tượng phát triển điện lực, do đó, Bộ Công Thương đề xuất đưa nội hàm “tự sản tự tiêu” vào chương trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn, dễ quản lý, kiểm tra, giám sát các chủ thể tham gia hay báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng nghị định.
Liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cân nhắc bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp được lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương lưu ý: Nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu của các doanh nghiệp cần phù hợp với Quy hoạch điện VIII.
Nghĩa là: Nếu có đấu nối/liên kết với lưới điện quốc gia thì phải thuộc tổng công suất đến năm 2030 là khoảng 2.600 MW và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, chỉ để tiêu thụ tại chỗ. Nếu không liên kết với lưới điện quốc gia thì phát triển không giới hạn công suất.
Ba mô hình điện mặt trời mái nhà theo đề xuất của Bộ Công Thương
Mô hình 1: Có liên kết với lưới điện, nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Việc không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác sẽ gây khó khăn trong quá trình lắp đặt và quản lý vận hành. Chủ đầu tư phải cần tính toán, cân đối nguồn - tải tại chỗ và lắp đặt bổ sung thiết bị chống phát ngược lên lưới để hạn chế, ngăn lượng điện dư phát vào lưới điện quốc gia trong một số thời điểm.
Mô hình 2: Có liên kết lưới điện, cho phép bán điện cho tổ chức, cá nhân.
Mô hình này khắc phục được khó khăn của mô hình 1, nhưng lại có vướng mắc lớn hơn đó là phải có chính sách về giá bán điện. Tức là, các bên mua bán điện phải thỏa thuận giá theo khung giá. Khi đó, cơ quan nhà nước tiếp tục phải ban hành khung giá cho các đối tượng, EVN phải thỏa thuận với các chủ đầu tư theo khung giá được duyệt.
Mô hình 3: Không liên kết với lưới điện quốc gia.
Mô hình này nên xem xét ưu tiên phát triển, có thể tự sử dụng hay bán điện cho tổ chức, cá nhân ngoài EVN với điều kiện cả nguồn - tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Chủ đầu tư, dự án phát triển theo mô hình này vẫn bị điều chỉnh bởi các quy định khác của pháp luật như đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy..
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận