Điện Gia Lai (GEG): Những điều cổ đông đừng quên chất vấn tại Đại hội
Có nhiều câu hỏi xung quanh kế hoạch huy động vốn mới cần được lãnh đạo CTCP Điện Gia Lai (GEG) giải đáp tại Đại hội đồng cổ đông tới đây.
Dự kiến, ngày 12/6 tới, GEG sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Theo tài liệu Đại hội được GEG công bố, năm 2020, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.530,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 29,2% và 5,3% so với mức thực hiện năm 2019.
Đi cùng với kế hoạch tăng trưởng mạnh về doanh thu, GEG lên kế hoạch huy động vốn từ phát hành cổ phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành hơn 16,3 triệu cổ phần để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chi trả 8% vốn cổ phần.
Ngoài ra, Công ty sẽ chào bán 50,97 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1, thời gian dự kiến từ nay tới hết quý I/2021.
GEG cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược 27,1 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phiếu sau đợt phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Giá bán sẽ do một công ty thẩm định giá độc lập đưa ra.
Mục đích huy động vốn là phục vụ mục tiêu đầu tư hoặc góp vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đầu tư mua các dự án, nhà máy điện hoặc bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Được biết, giá trị sổ sách mỗi cổ phần GEG tại thời điểm 31/12/2019 là 11.384 đồng/cổ phần và duy trì ở vùng giá trên 20.000 đồng/cổ phần từ đầu năm tới nay. Như vậy, mức giá chào bán của cổ phiếu GEG cho cổ đông hiện hữu đều thấp hơn giá trị sổ sách và thị giá của cổ phiếu.
Nhưng việc doanh nghiệp giữ lại nguồn lợi nhuận để tăng vốn (trả cổ tức bằng cổ phiếu) và huy động thêm vốn của cổ đông sử dụng như thế nào, triển vọng đem lại hiệu quả ra sao là vấn đề cổ đông cần yêu cầu lãnh đạo Công ty làm rõ tại Đại hội.
Thứ nhất, GEG đặt kế hoạch trọng tâm từ năm 2020 - 2025 sẽ nâng tổng sản lượng điện từ 692 triệu kWh lên 3.026 triệu kWh, tăng 337%; trong đó duy trì thuỷ điện, tăng tỷ trọng điện mặt trời và điện gió.
Tính tới cuối năm 2019, doanh nghiệp đang vận hành 14 nhà máy thuỷ điện với công suất 85 MW, 5 nhà máy điện mặt trời với công suất 260 MWP.
Doanh nghiệp lên kế hoạch tới năm 2025 sẽ có 13 nhà máy điện mặt trời, với công suất từ 500 - 700 MWP; 9 nhà máy điện gió với công suất từ 500 - 700 MW; điện mặt trời nổi với công suất 249 MWP và điện mặt trời áp mái với công suất là 52 MWP.
Như vậy, doanh nghiệp đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư và cần nguồn vốn lớn.
Đáng nói là, kể từ 1/7/2020, các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đã có sự điều chỉnh giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScent/kWh; giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh; giá mua điện mặt trời mái nhà là 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScent/kWh (giá mua điện trước đây 9,35 cent/kWh).
Mức giá này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Như vậy, các dự án điện mặt trời phát triển mạnh giai đoạn 2020 - 2025 không bán được giá cao sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kế hoạch thu tiền cũng như thời điểm hoàn vốn của dự án?
Thứ hai, việc lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, cũng như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược hiện nay có thể gọi là khá thách thức khi thị trường tài chính đang trong giai đoạn bất ổn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dòng tiền vào thị trường chứng khoán chủ yếu là dòng tiền nóng theo kiểu “đánh nhanh rút nhanh”.
Vậy, với kế hoạch phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp đã tìm được cổ đông chiến lược chưa, hay chỉ mới lên kế hoạch? Nếu như việc huy động vốn không thành công, GEG có kế hoạch dự phòng để bổ sung dự án tiếp tục thực hiện dự án đang triển khai đảm bảo đúng tiến độ như ban đầu?
Thứ ba, do đặc thù phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió thường chọn khu vực có khí hậu, thời tiết phù hợp, vì vậy thường tập trung tại một số khu vực.
Trong số 5 dự án điện mặt trời hiện hữu, cũng như các dự án đang và sẽ triển khai trong tương lai, có dự án nào có khả năng gặp vấn đề truyền tải điện hay không? Doanh nghiêp có kế hoạch gì để đối phó với bài toán quá tải hệ thống truyền tải điện mà rất nhiều dự án điện mặt trời hiện nay đang gặp phải?
Tỷ lệ nợ vay của GEG liên tục gia tăng trong thời gian qua. Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ vay của Công ty đã lên tới 3.815 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản đã lên tới 57,1%. Nếu việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu không thành công, Công ty sẽ phải chất thêm gánh nặng nợ vay để tài trợ cho dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận