menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

Diễn đàn M&A Việt Nam 2019: “Thay đổi để bứt phá”

Tổng giá trị giao dịch thị trường M&A Việt Nam trong 10 năm qua đã đạt 55 tỷ USD và dự kiến 2019 sẽ đạt 7,6 tỷ USD. Tuy nhiên để M&A Việt Nam có thể bứt phá tăng trưởng mạnh trong bối cảnh mới rất cần có sự thay đổi toàn diện. Đây là vấn đề được các diễn

Cơ hội và thách thức song hành

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch đạt tổng giá trị khoảng 55 tỷ USD, thị trường M&A tại Việt Nam tiếp tục đạt 5,43 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019 và dự báo đạt gần 7,6 tỷ USD cả năm 2019. Theo các chuyên gia, thị trường M&A Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội trong bối cảnh hoạt động M&A đang đứng trước một lực hút lớn cho dòng vốn trên toàn cầu.

dien dan ma viet nam 2019 thay doi de but pha

Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định: Hoạt động M&A đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD, thì đến năm 2018, con số này đã vượt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường M&A tại Việt Nam thời gian qua được tiếp sức bởi nhiều yếu tố tích cực từ nội tại nền kinh tế cũng như các cơ hội mang lại từ việc hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng, thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do như Hiệp định như Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng hàng loạt FTA thế hệ mới cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá.

dien dan ma viet nam 2019 thay doi de but pha

Hàng trăm lãnh đạo hàng đầu của các quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế , doanh nghiệp... quan tâm tham dự sự kiện

Theo thống kê từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường trên 96 triệu dân của Việt Nam, bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục… Những điển hình cho thực hiện chiến lược M&A chủ động của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm Vingroup, Kido, Masan, PAN Group… Trong lĩnh vực bán lẻ, những thương vụ của Vingroup và Saigon Co.op mua lại các chuỗi siêu thị cho thấy, các nhà đầu tư nội cũng đang quyết liệt cạnh tranh để giành vị thế của mình trên thị trường.

Theo báo cáo của Topica Founder Institute (TFI) năm 2017, lượng vốn đầu tư mà các startup Việt Nam thu hút được trong năm 2018 tăng gấp 3 lần so với 2017. Cụ thể, 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn là 889 triệu USD đã diễn ra trong năm qua. Riêng 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, như Yeah1 (100 triệu USD), Sendo (51 triệu USD), Topica (50 triệu USD) cùng 7 thương vụ không được tiết lộ khác đều có giá trị trên 30 triệu USD mỗi thương vụ.

Năm lĩnh vực start-up thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là fintech, e-commerce (thương mại điện tử), traveltech (khởi nghiệp lĩnh vực du lịch trên nền tảng công nghệ), logistics và edtech (khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ). Trong đó, fintech quay lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD.

E-commerce đứng vị trí thứ hai khi chỉ có 5 thương vụ diễn ra, so với 21 thương vụ vào năm 2017. Tổng giá trị đầu tư năm 2018 lĩnh vực này là 104 triệu USD. Traveltech gây bất ngờ khi vươn lên hạng ba với 8 thương vụ, tổng giá trị 64 triệu USD của Vntrip, Luxstay, Atadi, Vleisure và một số thương vụ không tiết lộ khác. Trong khi đó, lĩnh vực logistics và edtech thu hút 3 - 4 thương vụ, giá trị hơn 50 triệu USD…

Trên đây cơ hội vẫn được đánh giá là nhiều tại Việt Nam, tuy vậy, những thách thức và khó khăn cũng còn không ít. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới, thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính.

Theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC, các yếu tố trở ngại lớn nhất là tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước đang quá lớn (85%), báo cáo tài chínhcông bố thông tin chưa minh bạch (80%), định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%). Các yếu tố khác lần lượt là: yếu tố văn hóa và sự thay đổi, không có nhiều cơ hội chất lượng, khó tiếp cận doanh nghiệp, yếu tố ngoại ngữ.

Một điểm đáng chú ý là, 8/8 yếu tố này liên quan đến nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều mà các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để giải phóng các rào cản này.

Cổ phần hóa và thoái vốn trầm lắng khi 11 tháng năm 2018 mới chỉ cổ phần hóa 12 doanh nghiệp (trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017 và chưa có doanh nghiệp nào thuộc danh sách năm 2018 theo kế hoạch tại Công văn số 991/QĐ-TTg) với tổng giá trị doanh nghiệp của 12 doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng. Như vậy, đến nay mới có 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/QĐ-TTg đã cổ phần hóa (chiếm 21%).

dien dan ma viet nam 2019 thay doi de but pha

Các diễn giả chia sẻ về những thay đổi chính sách liên quan đến thúc đẩy thị trường M&A

Các giải pháp thay đổi để thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam bứt phá

Trong khảo sát của MAF và CMAC, để thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam, ba yếu tố quan trọng cần thực hiện quyết liệt là: thoái vốn quyết liệt và mạnh mẽ hơn, thúc đẩy các tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn.

Cụ thể, thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, mỗi năm, cần đặt mục tiêu thoái vốn tại 1 - 2 công ty lớn, có tính chất dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam, cả nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư.

Tại phiên Đối thoại chính sách trong Diễn đàn M&A 2019, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital - cho rằng: Môi trường pháp lý, chính sách đối với các thành phần tham gia M&A; quá trình cơ cấu lại các thành phần kinh tế nhà nước và quá trình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ vai trò của thành phần tư nhân là những yếu tố được quan tâm và tác động đến quá trình M&A.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - phân tích: Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa tuy có chậm lại, nhưng chất lượng các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lại đang tốt hơn, bằng chứng là các nhà đầu tư đầu tư vào giá trị lớn hơn.

"Chúng tôi đang cố gắng thu hẹp doanh nghiệp nhà nước rà soát, công bố rõ doanh nghiệp nhà nước sẽ bán với số lượng lớn, doanh nghiệp quy mô lớn như viễn thông, dịch vụ hàng hai… bán với số lượng lớn, mở cửa cho các cơ quan định giá quốc tế định giá doanh nghiệp. Đồng thời sẽ hỏi các công ty tư vấn quốc tế vào Việt Nam có rào cản gì để tìm cách tháo gỡ cho họ thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ tiến tới sẽ có các thay đồi về quy định các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ phải niêm yết luôn trên thị trường chứng khoán, chứ không đợi một thời gian mới niêm yết", ông Tiến nói.

Ông Tiến còn cho biết thêm, Bộ Tài chính đang thí điểm để đến năm 2021 áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, để khi cổ phần hóa sẽ đồng nhất với các chính sách quốc tế.

Trong phiên thảo luận thứ 2 với tiêu đề Nhận diện các lĩnh vực bứt phá, các diễn giả đã tập trung thảo luận cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, các ngành sản xuất, dịch vụ... của thị trường hơn 100 triệu dân tại Việt Nam còn rất lớn.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 qui tụ 26 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” qua 2 phiên thảo luận về Đối thoại chính sách và Nhận diện các lĩnh vực M&A có thể bứt phá, Diễn đàn thường niên M&A lần thứ 11 đã mang đến cho các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách một cái nhìn tổng quan và sinh động nhất về thị trường M&A Việt Nam.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại