Điện cơ Hải Phòng (DHP): Kinh doanh sa sút, giá cổ phiếu vẫn tăng
Dữ liệu của FiinPro cho thấy, toàn thị trường chứng khoán có 13 doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế năm 2019 giảm sâu so với năm 2018, nhưng giá cổ phiếu tăng trên 20%. Dẫn đầu danh sách này là Công ty cổ phần Điện cơ Hải Phòng (DHP).
Công ty cổ phần Điện cơ Hải Phòng tiền thân là Xí nghiệp Hải Phòng Điện khí được thành lập ngày 16/3/1961, trên cơ sở sáp nhập 3 cơ sở công tư hợp doanh nhỏ trong nội thành.
Ngành nghề kinh doanh là sản xuất quạt gia dụng, các linh kiện thiết bị liên quan đến ngành quạt; đại lý các loại quạt gia dụng, quạt công nghiệp, máy móc thiết bị công nghiệp; sản xuất mô tơ, máy phát điện, biến thế điện...
Công ty có vốn điều lệ gần 95 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của DHP, chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty.
Vị lãnh đạo này hiện đang nắm giữ 13,77% cổ phần DHP. Cổ đông nội bộ và người liên quan cũng đang nắm giữ 24,71% vốn của doanh nghiệp này.
Về bức tranh kinh doanh của DHP, nếu chỉ tính riêng quý IV/2019, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm đến 78% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Doanh thu cũng giảm 7%, đạt hơn 29 tỷ đồng. Kết thúc năm 2019, DHP thu về 280 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm sâu 29%, xuống còn hơn 12 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận của DHP sa sút được lý giải là do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao hơn, trong khi khoản thu nhập khác của doanh nghiệp chỉ còn đạt 3,4 tỷ đồng, giảm tới 65% so với năm trước.
Giải thích cho sự suy giảm đột biến này so với năm trước, DHP cho biết, do trong quý IV/2018, Công ty đã định giá lại tài sản là một khu nhà đất để góp vốn liên doanh thành lập pháp nhân mới và thanh lý một số khuôn mẫu cũ.
Mặc dù bức tranh kinh doanh không mấy khả quan, tính từ ngày 20/1 đến 4/3, giá cổ phiếu DHP tăng đến 44%, từ 6.600 đồng/cổ phiếu lên 9.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp hoặc không có giao dịch.
Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu kể từ khi niêm yết vào đầu năm 2013 đến nay, DHP cũng đã có nhiều phiên tăng giá bất ngờ.
Kể từ khi lên sàn, DHP duy trì doanh thu và lợi nhuận khá đều đặn. Tuy nhiên, với việc thị trường quạt điện đã đạt đến trạng thái bão hòa và mức độ cạnh tranh trong ngành tương đối gay gắt, DHP không còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Kết quả kinh doanh của DHP giai đoạn 2014 - 2019.
Mới đây, Ban lãnh đạo DHP đã thông qua nghị quyết kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 với lãi sau thuế đạt hơn 12,5 tỷ đồng, doanh thu đạt 286 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 74% so với kế hoạch năm 2019.
DHP cũng lên kế hoạch sản xuất 236.000 quạt điện dân dụng Phong Lan, 50.000 quạt công nghiệp Gale, 80.000 quạt Mitsubishi nhập khẩu và 420.000 lồng quạt các loại.
Ngoài ra, DHP cũng đưa ra kế hoạch nộp ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng và chi trả cổ tức với tỷ lệ 10% trong năm 2020.
Trước đó, DHP cũng thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ thực hiện 5%, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường