Điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới
Giới phân tích kỳ vọng các nhà đầu tư cá nhân sẽ trở lại thị trường chứng khoán khi Chính phủ và NHNN ra các chính sách tháo gỡ nút thắt trên thị trường.
Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ, lãi suất giảm mạnh và sớm hơn các dự đoán trước đó, giới phân tích kỳ vọng điều này sẽ kích hoạt sự tham gia trở lại của nhóm nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, giảm bớt áp lực bán ròng từ khối ngoại.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), về tình hình vĩ mô, điểm tích cực là lãi suất của Việt Nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có những tín hiệu tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính-tín dụng nhằm hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thanh khoản của các ngân hàng Mỹ.
Đồng quan điểm này, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, điểm sáng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới là kỳ vọng sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần nào những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cùng những nỗ lực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Tuần qua, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế trong thời tới đã hỗ trợ tích cực giao dịch trên thị trường.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.
Về phía Chính phủ cũng đang đẩy nhanh quá trình soạn thảo nhằm sớm phê chuẩn Quy hoạch điện VIII cũng như chuẩn bị trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn Nghị quyết về giảm thuế VAT 2% trong cuộc họp sắp tới.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng những khó khăn về vĩ mô vẫn còn nhiều khi các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước trước đó cho thấy hiệu quả thực tế, trong khi đó kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, giói phân tích kỳ vọng thị trường sẽ phản ứng tích cực trước khi những chuyển biến vĩ mô thực sự diễn ra.
Xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ như chứng khoán. Do vậy, dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng.
"Thời gian tới, áp lực rút ròng sẽ đến nhiều từ các quỹ chủ động, tuy nhiên bất kỳ cơ hội điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường," nhóm phân tích SSI dự báo.
Riêng tuần qua (8-12/5), VN-Index đã tăng 26,59 điểm so với mức đóng cửa cuối tuần trước đó. Không chỉ gia tăng về điểm số, thanh khoản khớp lệnh cũng ghi nhận mức tăng mạnh; trong đó, có sự góp phần của khối ngoại khi trở lại mua ròng 51 tỷ đồng.
Ở chiều mua vào, giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất với SSI gần 196 tỷ đồng, tiếp sau là HPG khoảng 145 tỷ đồng.
Ngoài ra, VND và STB cũng được gom mạnh với giá trị đều trên 100 tỷ đồng. Ngược lại, CTG là mã bị xả mạnh, giá trị lên tới 282 tỷ đồng. Tiếp sau là DPM, VPB lần lượt bị bán ròng 75 tỷ đồng, 65 tỷ đồng.
Thống kê trong tháng Tư, khối ngoại bán ròng 1.466 tỷ đồng, hoặc bán ròng 2.827 tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch đột biến từ cổ phiếu IDP. Trạng thái bán ròng được duy trì xuyên suốt tháng, việc mua, bán giữa các nhóm ngành cũng không có xu hướng rõ rệt.
Tỷ trọng giao dịch khối ngoại giảm mạnh trong tháng Tư, khi chỉ chiếm 7,7% tổng giá trị giao dịch trên thị trường - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Tính chung trong 4 tháng, khối ngoại duy trì mua ròng 5.496 tỷ đồng, hoặc 7.556 tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận