Điểm danh những nhà đầu tư bị Thanh tra Chính phủ 'bêu' tên trong 15 dự án sai phạm ở Thái Nguyên
15 dự án sử dụng đất xây dựng không đúng quy định tại Thái Nguyên giai đoạn 2010-2018 đã được Thanh tra Chính phủ điểm mặt tại kết luận thanh tra mới công bố.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2018.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 15 dự án sử dụng đất không đúng quy định là Dự án Xây dựng Khu công nghiệp Điềm Thụy; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, Dự án cụm công nghiệp An Khánh 1; Dự án Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp số 3 Cảng Đa Phúc, huyện Phổ Yên; Dự án xây dựng Khu đô thị Hồ Điều hòa Xương Rồng; Dự án Khu dân cư sinh thái kiểu mẫu, Dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, Dự án Khu dân cư Havico tại phường Đồng Quang, Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, Dự án khu dân cư tổ 4, Dự án đầu tư Khu liên hiệp chế biến Quaczit và dự án Tổ hợp trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp Phú Thái, huyện Phổ Yên.
Trong đó, Dự án Khu dân cư sinh thái kiểu mẫu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên (Intraco Thái Nguyên) làm chủ đầu tư, nhằm mục đích kinh doanh bất động sản nhưng doanh nghiệp lại không đăng ký ngành, nghề kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, dự án này được giao đất để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện dự án này có diện tích đất giao thừa so với đất thực hiện dự án là 7.431,5 m2 nhưng chủ đầu tư và Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên chưa xác định được vị trí, mục đích sử dụng đất của diện tích đất này.
Theo tìm hiểu, Intraco Thái Nguyên được thành lập vào cuối năm 2007. Tại ngày 4/4/2017, công ty có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Lê Thị Thảo (30%), Nguyễn Văn Thắng (50%), số cổ phần còn lại được chia đều cho Nguyễn Lê Mai và Nguyễn Lê Anh. Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất, công ty có số vốn điều lệ 600 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này là Phạm Hữu Lãng (10%), Lê Thị Thanh Hoa (16%), Lê Thị Thảo (24%), Nguyễn Lê Mai (16%), Nguyễn Văn Thắng (24%) và Chu Thị Hữu (10%).
Một dự án khác cũng thuộc phường Túc Duyên chính là Dự án khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003.
Dự án này thực hiện cơ chế thanh toán tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư cho nhà đầu tư bằng việc bù trừ tiền thu cấp quyền sử dụng đất đã có hạ tầng (thực chất là giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu dân cư số 5 phường Túc Duyên). Trách nhiệm thuộc về Sở KHĐT, UBND TP. Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên. Chủ đầu tư dự án này là CTCP Đầu tư APEC Thái Nguyên.
CTCP Đầu tư APEC Thái Nguyên cũng chính là chủ đầu tư của Dự án Xây dựng Khu công nghiệp Điềm Thụy Khu B diện tích 170ha. Công ty này được thành lập vào tháng 6/2009, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (15/1/2021), vốn điều lệ của APEC Thái Nguyên là 100 tỷ đồng, thành phần cổ đông lớn gồm CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (15%), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC Investment, 84%).
Trong đó, APEC Investment là thành viên của Apec Group - Tập đoàn hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như đầu tư tài chính, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khai thác và vận hành dịch vụ khách sạn… song lĩnh vực chính vẫn là phát triển bất động sản.
Apec Group tiền thân là CTCP Đầu tư BG Group (BG Group), được thành lập vào cuối tháng 11/2017. Khi mới thành lập, BG Group có quy mô vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Hoàng Linh (nắm giữ 65% VĐL), ông Phạm Duy Hưng (34,99%) và ông Lục Thanh Tùng (0,01%). Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, BG Group nâng vốn lên gấp đôi, đạt mức 1.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2020, ông Nguyễn Hoàng Linh (SN 1979) bất ngờ nhường vị trí Chủ tịch HĐQT BG Group cho ông Hán Kông Khanh (SN 1975). Sau đó, công ty này đổi tên thành Apec Group.
Tại dự án Khu đô thị Kosy Sông Công, TP. Sông Công, việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là không đúng theo quy định.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 482 tỷ đồng, nguồn vốn do chủ đầu tư là CTCP Kosy ứng trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật được trừ vào tiền sử dụng đất nhưng thực chất là giao đất để thực hiện dự án kinh doanh.
CTCP Kosy được doanh nhân Nguyễn Việt Cường thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản và xác định đây là mảng miếng chủ lực với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38ha ở TP. Lào Cai.
Dù vậy, phải tới giai đoạn 2014-2017, cái tên Kosy mới bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi tăng mạnh vốn lên 415 tỷ đồng và đồng loạt triển khai nhiều dự án nhà ở tại Thái Nguyên và Bắc Giang, bên cạnh dự án chủ lực ở Lào Cai.
Cuối năm 2017, Kosy trở thành công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM, sau đấy đến đầu tháng 9/2019 Kosy chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Tới cuối năm 2020, tổng tài sản của Kosy đạt 2.188 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.037,5 tỷ đồng. Trong năm qua, tổng doanh thu đạt 1.305,7 tỷ đồng, lãi sau thuế 25,2 tỷ đồng.
Tiếp đến là dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên là đất thương mại dịch vụ là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Dự án chưa được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là chưa đúng.
Việc UBND tỉnh Thái Nguyên không thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất khu vực bến xe khách Thái Nguyên (cũ) là chưa đúng khoản 1, Điều 7, Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ.
“Việc UBND tỉnh đối trừ gần 6 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào số 37 tỷ đồng tiền sử dụng đất là không có căn cứ pháp luật, phải được thu hồi vào ngân sách nhà nước”, kết luận của Thanh tra nêu rõ.
Đối với dự án Cụm Công nghiệp An Khánh số 1, tại ô đất ký hiệu TK-VLtheo quy hoạch là khu tập kết vật liệu của nhà máy nhiệt điện, công ty đã thực hiện xây 3 tòa nhà 3 tầng không đúng quy hoạch được duyệt. Hiện trạng dự án đã thực hiện Nhà máy Nhiệt điện An Khánh trên diện tích 30ha, các hạng mục, công trình khác có diện tích 10,72ha chưa giải phóng mặt bằng. Dự án chậm so với tiến độ là 8 năm 5 tháng, thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Cụm Công nghiệp An Khánh số 1 là dự án do CTCP Nhiệt điện An Khánh làm chủ đầu tư. Công ty này được thành lập vào tháng 11/2007. Tại ngày 4/6/2021, công ty này có số vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, chi tiết cổ đông không được đề cập. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1957).
Tiếp đến là dự án xây dựng khu đô thị hồ điều hòa Xương Rồng do CTCP Sông Đà 2 làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho CTCP Sông Đà 2 thực hiện dự án theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại văn bản số 1964/TTg-QHCT đã chấp thuận thực hiện dự án theo hình thức BT.
Theo tìm hiểu, CTCP Sông Đà 2 tiền thân là Công ty Xây dựng dân dụng thuộc Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, được thành lập ngày 18/2/1980. Ngày 30/11/2007, cổ phiếu của công ty này chính thức giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán HN với mã SD2.
Cập nhật tại ngày 31/3/2021, vốn điều lệ của SD2 là 144,2 tỷ đồng, tổng tài sản đạt mức 494,5 tỷ đồng, đồng thời đăng ký hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, sản xuất công nghiệp và kinh doanh bất động sản.
Về phần mình, Dự án Khu dân cư Havico tại phường Đồng Quang do CTCP Xây dựng và Thương mại HAVICO làm chủ đầu tư. Công ty này được thành lập vào tháng 4/2010. Cập nhật tại ngày 20/6/2019, vốn điều lệ công ty đạt mức 60 tỷ đồng, thành phần cổ đông không được đề cập, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Phan Thế Hải (SN 1965).
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát, xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để truy thu phần chênh lệch giá bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sát với giá thị trường tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, không để thất thoát tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, UBND tỉnh Thái Nguyên chủ động xin ý kiến các bộ, ngành chức năng của Trung ương.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và các cơ quan có liên quan rà soát lại các dự án được nêu để giảm trừ quyết toán đối với các khoản tiền thu chưa đúng và các khoản tiền khấu trừ chưa đúng quy định, trường hợp đã quyết toán thì thu hồi đầy đủ về ngân sách Nhà nước, không để thất thoát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận