24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dịch bệnh đã bộc lộ ‘điểm yếu’ về nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp

Cần sớm có cơ chế xây nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế cả nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh bị “tê liệt”, thiếu hụt lao động… Đặc biệt, tại những khu công nghiệp đã bộc lộc những ‘điểm yếu’, trong đó có vấn đề nhà ở cho công nhân.

Cần có cơ chế xây dựng nhà ở cho công nhân

Nội dung được đề cập trong trong văn bản của Bộ Xây dựng gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, về việc xây dựng nhà ở xã hội, trong đó cần quan tâm đến nhà ở cho công nhân.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, thể hiện rõ nhất là tại nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động... Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ” tại khu công nghiệp.

Do đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nhà công nhân tại các khu công nghiệp.

Từ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Các địa phương trong khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Không những vậy, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Quá trình triển khai, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Giai đoạn 2021-2030 phấn đấu phát triển khoảng 11,9 triệu căn nhà

Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau gần 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đạt được những kết quả tích cực, chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở.

Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2, trong đó, khu vực đô thị đạt 25,1m2 sàn/người (tăng 3,8 m2 so với năm 2011), khu vực nông thôn đạt 24,0m2 sàn/người (tăng 6,2m2 so với năm 2011).

Theo ông Dũng, đến nay, trên cả nước đã hoàn thành khoảng 260 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, tương ứng khoảng 110.000 căn, tương đương 5,5 triệu m2 nhà ở. Và đang tiếp tục triển khai hơn 270 dự án, tương đương khoảng 256.000 căn, với tổng diện tích khoảng 12,8 triệu m2 nhà ở…

Hiện nay, các hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nhà ở đang được hoàn thiện nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở, đáp ứng phần lớn nhu cầu nhà ở của người dân.

Tuy vậy, trên thực tế, nguồn cung - cầu các sản phẩm nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM trong vài năm trở lại đây có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt phân khúc căn hộ có giá vừa túi tiền. Trong khi nhu cầu mua nhà ở thực nguời dân rất lớn thì nguồn cung lại thiếu hụt trầm trọng, nguồn cung phân khúc căn hộ hạng sang lại đang dư thừa. Sự phát triển không đồng đều của thị trường, dẫn đến giấc mơ an cư của người dân tại các thành phố lớn trở nên vô cùng khó khăn bởi mức thu nhập của họ quá thấp không đủ khả năng mua nhà.

Trong dự thảo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040 của Bộ Xây dựng có đặt ra một số mục tiêu cơ bản, phấn đấu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà.

Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu nguời toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người. Đồng thời, tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, dự thảo cũng đặt ra mục tiêu đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị. Xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội bao gồm công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân. Hoàn thiện, sửa đổi quy định về việc quản lý, phát triển nhà ở theo quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà.

Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng đặt ra hệ thống mục tiêu cụ thể có kèm theo các chỉ tiêu về phát triển nhà, trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nhà ở cho công nhân...

Đóng góp ý kiến cho dự thảo của Bộ Xây dựng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chiến lược này rất quan trọng, là cơ sở cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh. Dự thảo nên đánh giá kỹ hơn những kết quả đạt được của chiến lược nhà ở giai đoạn 2011-2020 đối với sự phát triển của các đô thị, đồng thời phân tích thêm về các tồn tại, hạn chế về thể chế, quy hoạch, tài chính bất động sản, thông tin dữ liệu, dự báo cung - cầu. Cùng với đó, dự thảo cũng cần đề xuất các giải pháp mạnh mẽ về hoàn thiện thể chế, cũng như các đột phá về huy động nguồn lực để thực hiện.

Còn chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, xu thế của thế giới là phát triển bền vững, bao trùm. Giai đoạn tới, khi kinh tế ngày càng phát triển, cấu trúc dân số, thu nhập của người dân tăng lên thì các đòi hỏi và nhu cầu lựa chọn nhà ở của người dân sẽ thay đổi. Dự thảo nên đặt ra các mục tiêu về nâng cao chất lượng nhà ở, nhà ở xanh, nhà ở thông minh.

Không những vậy, dịch COVID-19 vừa qua cũng cho thấy các vấn đề về công nghiệp hóa và phát triển nhà ở công nhân. Do đó, dự thảo chiến lược cũng cần phân tích kỹ và nhấn mạnh hơn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả