DIC Corp: Tham vọng và... thất vọng!
Tình hình "sức khoẻ" doanh nghiệp sa sút nhưng Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) vẫn liên tục đặt mục tiêu lợi nhuận “khủng” để rồi lại khiến nhà đầu tư thất vọng khi không đạt như kỳ vọng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, DIC Corp ghi nhận lỗ trước thuế 120,8 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 101 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 121 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 76 tỷ đồng), là mức lỗ đậm nhất lịch sử của doanh nghiệp.
Lỗ đậm nhưng vẫn đặt mục tiêu lãi nghìn tỷ
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của DIC Corp âm 504 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 982 tỷ đồng (do tăng chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác). Để cân đối, doanh nghiệp đã đẩy dòng tiền đi vay lên 1.493 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần và giảm quy mô dòng tiền trả nợ gốc vay xuống 371 tỷ đồng, giảm 73%. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 364 tỷ đồng. Nói cách khác, DIC Corp chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Tiền thân là công ty con thuộc Bộ Xây dựng, DIC Corp hoạt động kinh doanh chính tập trung vào mảng kinh doanh bất động sản với quỹ đất được xếp hàng đầu trong số các doanh nghiệp bất động sản tầm trung, sản phẩm chủ yếu là đất nền.
Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của DIC Corp biểu hiện nhiều gam màu tối. Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp sụt giảm gần 46% (đạt 1.026 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 17,6% (đạt 119 tỷ đồng). Như vậy, với mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng năm 2023, DIC Corp mới chỉ hoàn thành 26% và 12%.
Đây không phải năm đầu tiên, DIC Corp không hoàn thành mục tiêu. Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận 1.900 tỷ đồng, nhưng chỉ hoàn thành 10%.
Trước tình hình thua lỗ nhiều năm liên tiếp, DIC Corp vẫn lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng: Doanh thu hợp nhất 2.300 tỷ đồng (tăng 72%), lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng (gấp 6 lần), chia cổ tức 8-15% và tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 410 triệu cổ phiếu, huy động hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm.
Tuy nhiên, nhiều cổ đông tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này do kết quả kinh doanh trước đây của doanh nghiệp liên tục không đạt kỳ vọng.
Đáng nói, ngoài việc liên tục “bể” kế hoạch, DIC Corp cũng là doanh nghiệp liên tục thường xuyên công bố số liệu "bất nhất" trước và sau kiểm toán.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, lợi nhuận sau thuế của DIC Corp giảm 33%, tương đương giảm 54 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động liên doanh, liên kết chuyển từ lãi 39 tỷ đồng sang lỗ 18 tỷ đồng.
Trước đó, lợi nhuận trước và sau thuế sau kiểm toán năm 2022 “vênh” 47 tỷ đồng. Năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế sau kiểm toán “vênh” 38 tỷ đồng.
Cổ phiếu liên tục “nhảy múa”
Có thể thấy, dù chỉ là doanh nghiệp bất động sản tầm trung, nhưng trên sàn chứng khoán, DIG lại là mã cổ phiếu thường nằm trong nhóm hút dòng tiền mạnh nhất.
Giai đoạn 2021-2022, trong “cơn say” chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, thị giá DIG được kéo tăng từ mức hơn 20.000 đồng lên vượt mốc 100.000 đồng/cp (tháng 3/2022). Đây có thể xem là giai đoạn “huy hoàng” nhất trong lịch sử niêm yết của DIG. Sức hút của DIG “nóng” đến mức hội trường tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2022 tại TP Vũng Tàu không đủ chỗ cho nhà đầu tư “lặn lội” tới tham dự.
"Ngày vui ngắn chẳng tày gang", khi “con sóng chứng” đi qua, DIG lại rơi vào tình cảnh trớ trêu, khi Đại hội cổ đông bất thường được tổ chức tháng 9/2022 đã không thể diễn ra do có quá ít nhà đầu tư tham dự. Và cũng chỉ một tháng sau đó, cổ phiếu DIG rơi về gần mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương ứng "bốc hơi" gần 90% so với đỉnh. Đáng chú ý, DIG liên tục có những đợt bán tháo kinh hoàng xuất phát từ các thông tin xấu như: doanh nghiệp bị thanh tra, Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp cổ phiếu, xuất hiện cổ đông lớn là ông Trần Quí Thanh…
Cho đến giai đoạn giữa tháng 3/2023 đến đầu tháng 4/2024, cổ phiếu DIG tăng giá mạnh mẽ trở lại, tới 190% giá trị bất chấp việc doanh nghiệp nhiều lần lỡ hẹn với cổ đông, đặt mục tiêu cao và chỉ hoàn thành kế hoạch nhỏ giọt khiến cổ đông không khỏi lo ngại, thậm chí cả kết quả kinh doanh ảm đạm.
Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, cổ phiếu DIG quay đầu giảm mạnh. Với mức giá 26.850 đồng/cp (chốt phiên 3/5), cổ phiếu này đã mất khoảng 25% so với giai đoạn đầu tháng 4/2024.
Đáng chú ý, trong giai đoạn cổ phiếu DIG ghi nhận xu hướng tăng, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người thân thay nhau thoái vốn.
Cụ thể, từ ngày 4/4 đến 22/4, ông Trần Văn Đạt, Phó tổng giám đốc DIC Corp đã bán ra 30.000 cổ phiếu, giảm sở hữu từ 30.231 cổ phiếu (0,005% vốn điều lệ) về 231 cổ phiếu (0% vốn điều lệ). Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu DIG tăng tới 155,5%, từ 11.000 đồng, lên 28.100 đồng/cp.
Trước đó, từ ngày 11/12/2023 đến ngày 9/1/2024, bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp đã bán ra 35.300 cổ phiếu DIG.
Ngày 6/2/2024, bà Lê Thị Hà Thành tiếp tục bán thêm 940.000 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 944.902 cổ phiếu (0,16% vốn điều lệ) về 4.902 cổ phiếu.
Nhìn chung, trong bối cảnh nguồn cung bất động sản hạn chế, việc sở hữu các dự án có tiềm năng mở bán có thể giúp cho DIC Corp hưởng lợi trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đáng lưu ý là các sản phẩm của doanh nghiệp đang bán có số lượng lớn là phân khúc đất nền, thiên về xu hướng đầu cơ hơn là nhu cầu ở thực.
Cùng với đó là những lưu ý về tình hình "sức khoẻ" doanh nghiệp như đã nêu trên, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị không mua vào cổ phiếu này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận