24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Tiếc đất vàng hay khó thủ tục?

Mặc dù đã có lộ trình di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô đến năm 2020, nhưng trên thực tế, TP. Hà Nội rất khó triển khai và nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là hài hòa lợi ích các bên.

Lộ trình đã rõ

Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Thực hiện chủ trương trên, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường có 23 đơn vị nước thải đạt quy chuẩn cho phép; 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thực hiện chủ trương trên, UBND TP. Hà Nội đã có những động thái thúc đẩy nhanh quá trình di dời, nhằm phân tán áp lực dân cư cũng như áp lực giao thông cho Thủ đô.

Theo đó, về biện pháp di dời, TP. Hà Nội phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.

Liên quan đến cơ chế, theo UBND TP. Hà Nội, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Nhưng khó đi…

Theo lộ trình đến năm 2020, các cơ sở ô nhiễm phải di dời ra khỏi trung tâm thành phố, nhưng đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời.

Lý giải về sự chậm trễ này, UBND TP. Hà Nội cho rằng, do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất - kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến.

Căn cứ theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg năm 2010 về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đơn cử, khu đất nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới… Nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể; trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở Khu công nghiệp Quế Võ lại chưa được xây dựng.

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Tiếc đất vàng hay khó thủ tục?
Nên chuyển đổi các nhà máy nội đô thành các tiện ích công cộng. Ảnh: Dũng Minh

Tương tự, năm 2017, UBND quận Thanh Xuân cũng đã có văn bản số 1399/UBND-TN&MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc tổng hợp các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch chung cần phải di dời ra ngoài khu vực nội đô TP. Hà Nội.

Trong đó nêu rõ, Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long, địa chỉ 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều quyết định liên quan tới việc di dời của công ty này, nhưng không hiểu lý do vì sao đơn vị này vẫn chưa chịu di dời. Trong khi đó, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm của nhà máy vẫn diễn ra ngày càng phức tạp.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với thành phố lúc này là cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Vì tiếc đất vàng?

Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 6665/QĐ-UBND do UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 3/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 thuộc các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, khu đất quanh nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, phường Thanh Xuân Trung - nơi vừa xảy ra vụ cháy, nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H2-3.

Khu đất quanh nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông gồm các nhóm đất: 1 ô đất công cộng (ký hiệu CC), 1 ô đất cây xanh (ký hiệu CX), 2 ô đất trường học (1 trường trung học phổ thông, 1 trường tiểu học, ký hiệu TH), 1 ô đất hỗn hợp (ký hiệu HH) và 1 ô đất trống (chưa được quy hoạch làm gì).

Nguyên tắc của quy hoạch nêu rõ: Khu đất hỗn hợp được ưu tiên bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ công cộng. Việc bố trí một phần căn hộ phải đảm bảo được cấp thẩm quyền chấp thuận, đồng thời, đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và chỉ dành để phục vụ dân cư khu vực.

Do quy hoạch không chỉ định rõ trong 4 khu đất trên, khu đất nào thuộc Công ty Rạng Đông nên có thể xảy ra hai trường hợp: Một là, nếu di dời nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông sẽ được quy hoạch đất làm công cộng, cây xanh, trường học; Hai là quy hoạch xây toà nhà hỗn hợp, văn phòng, thương mại hoặc chung cư nếu được cấp phép.

Trong trường hợp xây chung cư, văn phòng, thương mại, Rạng Đông có thể hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án, như cách Công ty cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân… đã từng áp dụng.

Hoặc công ty này có thể chuyển nhượng đất như thông tin từ Công ty Chứng khoán BIDV hồi cuối tháng 5/2018 từng cho rằng, Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất này.

Khu vực Thượng Đình, Hạ Đình, nơi tọa lạc Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông từng là thủ phủ công nghiệp với cả chục nhà máy, xí nghiệp bao quanh, chẳng hạn như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Cơ khí Hà Nội, nhà máy xe đạp Thống Nhất, xí nghiệp Dệt Mùa Đông… Phần lớn các nhà máy khu vực nay đã được di dời, biến thành các khu đô thị.

Không khó để định giá khu đất 5,7 ha của Rạng Đông trên thị trường hiện tại, bởi hoàn toàn có thể tham chiếu giá bán với một số lô đất xung quanh từng được giao dịch. Điển hình như giá trị lô đất của Cao su Sao Vàng rộng 6,2 ha tại 231 Nguyễn Trãi, cách Rạng Đông khoảng 300 m khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức bán đấu giá Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) tháng đầu tháng 7 vừa qua.

Một số cổ đông đã mua lại 15% cổ phần với giá gần 200 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất của SRC chính là khu đất rộng 6,2 ha tại Nguyễn Trãi, có thể phát triển thành khu đô thị trong tương lai.

Nếu chuyển nhượng, lô đất này cũng hoàn toàn có thể đem về “núi tiền” trị giá cả nghìn tỷ đồng cho Rạng Đông, bởi nằm trong khu đất vàng, chỉ mất vài phút ra tuyến đường Nguyễn Trãi, hạ tầng giao thông đồng bộ với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sắp đi vào vận hành...

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Khoa Kiến trúc quy hoạch (Đại học Xây dựng), chúng ta có quy hoạch nhưng thực tế thực hiện, triển khai quy hoạch đó dường như lại đang có sự đối lập lại với quy hoạch ban đầu, khi thực tế không gian xanh không những không được mở rộng thêm mà còn bị giảm đi. Ở vị trí trung tâm, nhu cầu sử dụng không gian xanh lớn thì không còn quỹ đất, nói đúng hơn là quỹ đất hầu hết đã bị “thâu tóm”.

Các chuyên gia nhấn mạnh, thời gian tới, việc triển khai, di dời các nhà máy xí nghiệp là rất cấp bách, nhưng vấn đề mục đích sử dụng của khu đất sau khi di dời phải được minh bạch theo nguyên tắc thực hiện đúng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng như trường học, công viên để trả lại cho cộng đồng xã hội.

Nếu không kiên quyết thực hiện đúng quy hoạch, dễ dàng để “con voi chui lọt lỗ kim” thì chắc chắn điệp khúc quá tải cao ốc nội đô sẽ tiếp tục lặp lại. Còn hậu quả của việc xâu xé “miếng bánh lợi ích” đó, người dân và đô thị sẽ phải nếm trải.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả