Đi chợ khi giá thực phẩm leo thang
Giá thịt heo tăng phi mã đẩy hàng loạt mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng theo khiến người dân quay cuồng trong cơn “bão giá”.
Ngày 16-12, giá heo hơi một số nơi ở khu vực phía Bắc tiếp tục tăng lên mốc 92.000-95.000 đồng/kg. Tại thị trường miền Trung và miền Nam, giá heo hơi cũng ở mức cao, dao động 72.000-85.000 đồng/kg.
Do giá heo liên tục lập đỉnh mới kéo theo hàng loạt mặt hàng khác như thịt gà, bò, hải sản và nhiều mặt hàng thực phẩm tăng theo.
Lo bánh chưng, bánh tét… không có thịt
Đáng lo ngại nhất là giá heo hơi tăng khiến thịt heo bán lẻ trên thị trường cũng leo dốc. Hiện nay một số nơi đã niêm yết giá thịt ba rọi rút xương 285.000 đồng, sườn non 299.000 đồng/kg. Với mức giá này, thịt heo đã vượt qua nhiều loại thịt bò (dao động quanh mức 250.000-265.000 đồng/kg), loại thực phẩm vốn dĩ luôn nằm ở nhóm giá cao nhất.
Giá heo tăng chóng mặt khiến nhiều bà nội trợ “tái mặt” khi đi chợ, bởi chi phí cho một bữa ăn hiện bằng hai bữa trước đó. Chị Nguyễn Trinh ở quận Tân Bình, TP.HCM lo lắng: “Nhiều bà nội trợ đã hạn chế mua thịt heo. Riêng nhà tôi có sáu người, muốn mua sườn non phải mua gần 1 kg mới đủ ăn, trong khi sườn non đã vọt lên gần 300.000 đồng/kg. Với số tiền này trước đó tôi gần như mua đủ hai bữa cho gia đình. Giá thịt heo tăng nhanh không ngờ, mỗi ngày đi chợ là một giá mới khiến bữa ăn có thịt heo ngon của gia đình chúng tôi đang trở nên xa xỉ”.
Không chỉ chị Trinh, nhiều bà nội trợ tỏ ra ngao ngán bởi khi giá thịt heo tăng thì nhiều loại thực phẩm khác như giò, chả, lạp xưởng… cũng ồ ạt tăng theo. “Bây giờ đi chợ không biết mua gì để đảm bảo không bị cháy túi vì giá tăng nhưng thu nhập lẫn lương không tăng” - chị Đoàn Hương ở quận 3, TP.HCM than thở.
Cũng theo chị Hương, bây giờ cầm 100.000 đồng ra chợ không biết mua gì vì giá gà cũng lên mức hơn 100.000 đồng/kg, giò chả giá cũng tăng gấp đôi. Đó là chưa kể cá, tôm cũng bắt đầu rục rịch tăng mạnh.
“Mỗi thứ tăng một ít làm ví người dân mỗi ngày hụt thêm từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng. Cơm tấm, bún bò, bún mọc, bún sườn... đều tăng hết. Có nơi tăng vài ba ngàn đồng, có nơi tăng cả chục ngàn đồng/tô hoặc đĩa. Khách thắc mắc thì chủ quán trả lời không muốn tăng giá nhưng không tăng thì lỗ” - chị Hương thở dài.
Chị Nguyễn Phượng, tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai, bày tỏ vì giá thịt heo tăng quá cao khiến nhu cầu mua sản phẩm này của người dân giảm, họ quay sang tiêu thụ thịt gà, thịt bò và cá. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao thì kéo theo giá tăng. “Nếu giá thịt heo và nhiều thực phẩm khác cứ leo thang từng ngày như hiện nay, tôi nghĩ tết này người dân sẽ nấu bánh chưng, bánh tét mà… không có thịt, mâm cỗ thiếu thịt gà” - chị Phượng nói.
Tìm cách hạ nhiệt thực phẩm
Đại diện chợ Bình Điền dự báo giá thịt heo sẽ còn tăng vào dịp cận tết, kéo theo sự gia tăng của nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Điều này không chỉ là nỗi lo của người tiêu dùng mà còn cả người bán hàng. “Hiện tại nguồn cung cấp heo tại chợ đầu mối vẫn bình thường. Nhưng do giá tăng quá cao nên sức tiêu thụ giảm” - vị đại diện chợ Bình Điền cho hay.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam bộ cũng cho rằng giải pháp nhập thịt heo không đơn giản khi Trung Quốc đang tăng cường mua thịt heo tại nhiều nước để bù đắp nguồn thiếu hụt trong nước, đẩy giá thịt heo nhập hiện cao gấp đôi so với cách đây nửa năm. Thêm vào đó thuế nhập khẩu cộng với các loại chi phí khác nên heo nhập về cũng không dễ bán vì giá cao.Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho rằng lượng heo hiện có tại các tỉnh phía Nam giảm nhiều so với những năm trước do dịch tả heo châu Phi nhưng không quá thiếu hụt đến mức trầm trọng. Do đó việc tăng giá đột biến hiện nay không đơn thuần chỉ là yếu tố cung cầu mà có thể một phần do “ăn theo” giá heo của Trung Quốc.
Bộ Công Thương dự báo từ nay đến tết Nguyên đán sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo. Để bù đắp nguồn cung, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn nhập khẩu thịt heo.
Sở Công Thương TP.HCM cũng vừa có cuộc họp với hai chợ đầu mối lớn bán thịt heo là Hóc Môn và Bình Điền nhằm nắm thông tin và có biện pháp ổn định giá. Dự kiến tuần tới đơn vị này sẽ cùng chợ đầu mối tổ chức họp các thương lái để nắm tình hình thu mua, khả năng cung ứng nguồn hàng tết…, từ đó góp phần ổn định mặt hàng thịt heo nói riêng và thực phẩm nói chung.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính, lo ngại giá thịt heo ngày càng tăng cao sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tác động không tốt đến kinh tế. “Thịt heo tăng sẽ kéo theo các mặt hàng như gia cầm, bò, trâu, hải sản… tăng theo dù muốn hay không. Từ đó kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản phục vụ ăn uống khác. Đây là điều đáng lo lắng” - ông nói.
Ông Thịnh cho rằng để tránh cú sốc về giá, tạo sự ổn định thị trường dịp tết cần phải thực hiện rất nhiều biện pháp đồng bộ như tái đàn ở khu vực không bị dịch, quản lý thị trường, bình ổn giá cả và cả phương án nhập khẩu thịt từ nước ngoài mà Bộ Công Thương đã đề xuất. Song từ khi lên kế hoạch nhập khẩu đến khi nhập về thì chỉ có thể kịp đáp ứng nhu cầu vào khoảng dịp tết Nguyên đán, do vậy cần các giải pháp dài hơi và căn cơ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận