ĐHĐCĐ Yteco: Tăng vốn điều lệ là vấn đề cấp bách hiện nay
ĐHĐCĐ thường niên 2019 diễn ra sáng ngày 25/05 của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Yteco, UPCoM: YTC) đã khép lại, vấn đề xuyên suốt Đại hội được đa số cổ đông quan tâm là nâng vốn điều lệ tại Công ty.
Mở đầu Đại hội, ông Trịnh Đào Cung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc YTC đã vẽ ra 2 ‘bức tranh’ cho cổ đông, một ‘bức tranh’ khái quát về tình hình năm 2018 cũng như ‘bức tranh’ phác thảo kế hoạch năm 2019.
Năm 2018 hoàn thành kế hoạch đề ra, gánh nặng về nợ khá lớn
Theo như lời vị Chủ tịch, YTC đang chuyển hướng kinh doanh vào thị trường bán lẻ với các sản phẩm vật tư tiêu hao, phát triển thêm nhà cung cấp có dòng sản phẩm “healthcare”, mặt khác tập trung tham gia đấu thầu thuốc vào các địa bàn tỉnh trên cả nước, tăng cường dịch vụ xuất nhập khẩu ủy thác và logistics.
Tổng doanh thu thực hiện năm 2018 hơn 529 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 18 tỷ đồng, cả 2 chỉ tiêu đều vượt nhẹ 2% kế hoạch và tăng 7% so với năm 2017.
Còn về nguồn vốn, chỉ tiêu nợ phải trả chiếm tỷ trọng khá lớn với tỷ lệ 92.6% cho thấy doanh nghiệp không tự đảm bảo về mặt tài chính và mức độ độc lập về tài chính không cao.
Phần lớn nợ của YTC là nợ ngắn hạn, lãi suất YTC vay ngắn hạn (ưu đãi) tại các ngân hàng dao động từ 7% đến 8.5%, thấp nhất là Ngân hàng Petrolimex 7% (9 tháng). Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay vì lý do hết room tín dụng và khan hiếm nguồn vốn cuối năm.
Ông Cung giải bày, tiền làm ở YTC là 10 đồng thì cũng hết 7 đến 8 đồng trả lãi cho ngân hàng, mức nợ của Công ty cũng không ít nên Công ty cũng rất khó khăn.
Mục tiêu tăng trưởng 5% doanh thu và lợi nhuận cho năm 2019
Trong năm 2019 này, YTC sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện tốt ở 4 mảng trọng tâm như đấu thầu, phân phối, bán lẻ và quản lý rủi ro.
Để triển khai đấu thầu theo quy định, YTC sẽ thành lập tiểu ban đấu thầu thuốc tập trung cả nước, tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp mới cho các nhóm hàng đặc biệt như độc nghiện, quý hiếm, ung thư,…
Trong công tác phân phối, bán lẻ, Công ty sẽ phát triển các sản phẩm tự doanh OTC và vật tư tiêu hao, tìm nguồn hàng đặc biệt trong và ngoài nước có chất lượng cao với giá thấp hơn các mặt hàng hiện có tại thị trường Việt Nam để phát triển tự doanh.
Đối với dịch vụ ủy thác, YTC sẽ tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, hỗ trợ tối đa công tác tư vấn, xin phép, chính sách phí ưu đãi để đạt được doanh số nhập khẩu ủy thác cao từ một số khách hàng chiến lược, tăng cường hoạt động tự doanh nguyên liệu dược, đặc biệt là nguyên liệu hướng thần, tiền chất và gây nghiện, một số nguyên liệu thông thường theo nhu cầu sản xuất dược.
Về kế hoạch cụ thể, YTC đặt tăng trưởng 5% cho cả chỉ tiêu doanh thu thuần và lãi ròng, tương đương với hơn 555 tỷ đồng doanh thu và gần 15 tỷ đồng lãi ròng.
Chia sẻ thêm một số hoạt động từ đầu năm 2019 tới nay, vị Chủ tịch cho biết YTC vừa mua mảnh đất tại Cần Thơ để đầu tư xây dựng thành kho cung ứng thuốc cho 11 tỉnh miền Nam. Giá trị đầu tư mua mảnh đất là 3.5 tỷ đồng, dự kiến đầu tư thêm 1.5 tỷ đồng nữa để xây kho. Việc đầu tư kho này nằm trong chiến lược dài hạn mà YTC vạch ra để mở rộng hệ thống phân phối cũng như đủ điều kiện tham gia công tác đấu thầu, nhằm tăng doanh thu cho công tác này.
Tăng vốn điều lệ là vấn đề cấp bách để mơ đến toà cao ốc
Dù không có tờ trình về vấn đề tăng vốn nhưng đây lại là một vấn đề mà cổ đông tham dự Đại hội quan tâm và đóng góp ý kiến nhiều nhất.
Hiện nay, vốn điều lệ của YTC chỉ vỏn vẹn 30.8 tỷ đồng, đây là con số khá thấp để có thể mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, Công ty dùng rất nhiều vốn vay từ ngân hàng, tiền làm ra bao nhiêu thì trả ngân hàng bấy nhiêu, không tăng vốn thì sao có thể mơ đến những tòa cao ốc cho riêng mình. Trước thực trạng đó cổ đông đề nghị Công ty nên mạnh dạn xem xét đưa ra phương án để tăng vốn lên mức 50 - 100 tỷ đồng. “Yteco làm nuôi ngân hàng chứ không để phát triển” – một cổ đông đóng góp ý kiến.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ cổ đông, ông Cung cho hay, từ đầu năm 2019 đến giờ, HĐQT đã có 2 phiên họp và làm việc với Công ty tư vấn về việc tăng vốn điều lệ, sẽ trình phương án cụ thể sau khi tính toán xong, dự kiến không có gì thay đổi đến năm 2020, YTC chắc chắn sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ.
Đến thời điểm ngày Đại hội (25/05/2019), cơ cấu cổ đông của YTC có 29% thuộc sở hữu của Nhà Nước (đại diện là ông Lê Văn Thiện), còn lại là tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Để có thể tăng vốn điều lệ, Công ty phải báo cáo cho cổ đông lớn này biết.
Hơn nữa, khi tăng vốn điều lệ, Công ty sẽ ưu tiên hơn cho các cổ đông hiện hữu và sau đó đến các cán bộ công nhân viên,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường