24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quân Ri Cha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐHĐCĐ MPC: Kinh doanh có thể tốt lên từ tháng 8, nghiên cứu các mô hình nuôi tôm

Sáng ngày 24/06, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh và tỷ lệ cổ tức năm 2023.

Lãi sau thuế mục tiêu 639 tỷ đồng năm 2023, đi lùi 23%

Doanh thu và lãi sau thuế 2023 lần lượt 12,790 tỷ đồng và 639 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua, cả hai chỉ tiêu này giảm từ 22 - 23% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, sản lượng sản xuất dự kiến giảm 27% về 45 ngàn tấn và kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm 13% còn 540.5 triệu USD.
ĐHĐCĐ MPC: Kinh doanh có thể tốt lên từ tháng 8, nghiên cứu các mô hình nuôi tôm

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2022, tỷ lệ từ 20 - 30% (tương ứng từ 164 - 247 tỷ đồng) tính trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hợp nhất tại ngày 31/12/2022. Mức chi trả này tương đương tỷ lệ 4.11 - 6.17% mệnh giá (từ 411 - 617 đồng/cp). Thời gian chi trả dự kiến trong năm 2023. Tỷ lệ cổ tức kế hoạch năm 2023 từ 50 - 70%.

Tại đại hội, ông Lê Văn Quang - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MPC đã trình bày giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của cho Minh Phú cũng như cho ngành tôm Việt Nam. Theo ông Quang, không còn con đường nào khác hơn là phải giảm giá thành tôm nuôi Việt Nam xuống bằng Ấn Độ, rồi bằng Ecuador.

Giải pháp thứ nhất là để không trực tiếp cạnh tranh với giá quá thấp của Ecuador thì phải gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất. Bằng cách phải đẩy nhanh, đẩy mạnh gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú/tôm bố mẹ bạc thẻ/tôm bố mẹ đất, đây là 3 loài tôm bản địa của Việt Nam mà Ecuador không có. Tiến tới nâng thị phần của tôm sú từ 20% lên 50%, tôm bạc thẻ và tôm đất từ 5% hiện tại lên 20%.

Thứ hai, hợp tác với các công ty tôm bố mẹ ở Hawaii để gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng ở Việt Nam, nhằm tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam, cũng như có giá thành tôm bố mẹ thấp.

Thứ ba, sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

Định hướng tập trung vào thị trường Nhật Bản

Tổng Giám đốc Quang cho biết cho biết thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng hàng giá trị gia tăng và hàng giá trị gia tăng sâu. Mà hàng giá trị gia tăng có giá tốt hơn, lợi nhuận tốt hơn. Nên Minh Phú chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, sản xuất hàng giá trị gia tăng sâu, tiện dụng và tiện ích để phát huy các lợi thế của Minh Phú. “Định hướng của chúng tôi là tập trung mạnh vào thị trường Nhật Bản”, ông Quang nhấn mạnh.

5 tháng đầu năm 2023 bán hàng của MPC giảm hơn 45%

Ông Quang cho biết, thứ nhất do tác động từ cuộc chiến trang Nga-Ukraine làm suy thoái toàn cầu, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chọn thực phẩm rẻ tiền hơn.

Thứ hai, trong năm 2022 khi dịch COVID-19 kết thúc, các nhà nhập khẩu, phân phối dự đoán tình hình tiêu dùng sẽ tốt hơn. Nên cuối năm 2022, các đơn vị này tăng cường nhập khẩu, lưu kho, chứa kho; nhưng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine xảy ra làm cho tiêu dùng giảm đáng kể, làm cho lượng tồn kho đã nhập về đầy hết các kho, không còn kho để chứa và nhập hàng (hàng bán ra thì ít, nhưng nhập kho thì nhiều). Đến đầu năm 2023, do hàng bán ra chậm nên các đơn vị phải tích cực bán giảm tồn kho, nhưng không được như kỳ vọng, lượng hàng trong kho còn nhiều.

Song song đó, giá thành tôm nguyên liệu của Ấn Độ và Ecuador thấp, trong khi giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam cao nên MPC gặp khó khăn về bán hàng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, bán hàng của MPC giảm hơn 45% so với cùng kỳ.

Về tình hình kinh doanh quý 1 vừa qua, ông Quang cho biết thực tế MPC đã có ký hợp đồng với khách hàng, nhưng các kho ở các nước nhập khẩu đầy, khách hàng không nhận hàng được và đề nghị trữ hàng tại Việt Nam khi nào bán được họ sẽ nhận. Mặt khác, còn do chịu ảnh hưởng của bệnh EHP, bị lỗ ở vùng nuôi con giống, nên lợi nhuận kém.

Về tình hình vùng nuôi, ông Quang cho biết cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xảy ra tình hình dịch bệnh EHP rất trầm trọng, tôm không lớn được, hao dần và chết dần nên các vụ nuôi đầu năm coi như thất bại. Sau khi họp bàn và tìm giải pháp khắc phục tình trạng bệnh EHP, đến giờ này kết quả nuôi có tín hiệu tương đối tốt, ví dụ như Minh Phú Kiên Giang đã nuôi được 70 ngày, tôm tăng trưởng tốt và đang thu tỉa; còn Minh Phú Lộc An đang tập trung xử lý ao để diệt EHP và dự kiến đầu tháng 7 bắt đầu thả giống.

Tình hình kinh doanh có thể tốt lên từ tháng 8

Về tình hình quý 2, Giám đốc Quang cho biết chưa tốt, vẫn còn kém. Tuy nhiên ông Quang vẫn tự tin rằng Minh Phú sẽ đạt được kế hoạch. Ông Quang nhấn mạnh: “Tình hình thị trường biến động rất khó lường, chúng tôi sẽ xem xét lại tình hình thực tế và sẽ thông tin cho các cổ đông trong tháng 8. Nếu tháng 8 lượng tiêu thụ hàng mạnh lên là chúng ta sẽ biết được tình hình kinh doanh của năm 2023, còn nếu tháng 8 tình hình mua hàng và bán hàng không tốt, thì kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ kém”.

Dù biến động khó lường, nhưng vẫn có những tín hiệu tốt. Ông Quang cho biết, do giá tôm thấp, bên Ấn Độ đã treo ao từ 30 - 50%. Bên cạnh đó, Ecuador đối mặt với El Nino nên mưa rất nhiều, làm cho tôm chết, thiệt hại ước tính 30%. Như vậy, lượng tôm từ hai nước này trong những tháng cuối năm ước tính sẽ giảm. Còn tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên nhiều người nuôi tôm cũng treo ao, ước từ 30 - 50%.

Do đó, lượng tôm trong những tháng cuối năm ước tính giảm từ 30 - 50%, dẫn đến lượng nguyên liệu có xu hướng bị thiếu. Các đơn vị sẽ có cơ hội bán giảm hết hàng tồn kho. Bên cạnh đó, cuối năm có nhiều lễ hội như Noel, Tết Nguyên đán của người châu Á, nên mức tiêu dùng sẽ tăng lên trong bối cảnh nguyên liệu bị thiếu hụt. Dự kiến từ tháng 8 trở đi giá tôm sẽ tăng và giải quyết được hàng tồn kho đã sản xuất đang nằm trong kho, tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn.

Chiến lược nuôi tôm mật độ thấp, vừa sức tải môi trường với giống kháng bệnh để giảm giá thành tôm

Ông Quang cho biết nguyên liệu chủ yếu của ngành chế biến là tôm nuôi, cho nên giảm được giá thành tôm nuôi mới có hiệu quả tốt. Hiện tại, giá thành tôm nuôi Việt Nam từ 4.8 - 5 USD/kg, Ấn Độ là từ 3.4 - 3.8, trong khi Ecuador từ 2.2 - 2.4 USD. Nguyên nhân do tỷ lệ nuôi thành công thấp dưới 40%, trong khi Ấn Độ là từ 60 - 70%, còn Ecuador trên 90%.

Chiến lược sắp tới của Minh Phú là nuôi tôm mật độ thấp, vừa sức tải môi trường với giống kháng bệnh để giảm giá thành tôm. Dòng tôm kháng bệnh chỉ lớn chậm hơn các dòng khác khoảng 10 ngày, nếu nuôi tôm dòng tiêu chuẩn hay lớn nhanh chúng ta nuôi 90 ngày thu được 30 con/kg, nhưng tỷ lệ sống chỉ có 40%. Còn nếu nuôi dòng kháng bệnh mật độ 30 - 50 con/m2 thì tỷ lệ sống đạt trên 80%, thời gian nuôi khoảng 100 ngày. Phân tích hiệu quả kinh tế thì cao hơn so với phương án nuôi siêu thâm canh.

Khi nuôi tôm mật độ thấp, vừa sức tải môi trường, 100 ha nuôi được 70 - 80% diện tích mặt nước. Nếu như nuôi siêu thâm canh như mô hình của Minh Phú Lộc An, thì 100 ha chỉ có 18.3 diện tích mặt nước nuôi. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho nuôi tôm mật độ thấp vừa sức tải môi trường thì chỉ khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, tùy vùng. Còn siêu thâm canh, đầu tư cũng phải từ 2 --3 tỷ/ha.

Về giá nguyên liệu sản xuất tôm, ông Quang cho biết hiện tại giá có tăng nhưng không phải tăng nhiều. Nuôi tôm chủ yếu là thức ăn tôm, còn giá con giống không tăng đáng kể. Minh Phú mua thức ăn tôm giá khoảng 26,500 đồng/kg (khoảng 1.05 USD), không phải cao so với giá thức ăn của Ecuador hay Ấn Độ, có khi còn thấp hơn.

Hiện tại Minh Phú tự chủ được 10% nguyên liệu, 90% còn lại mua từ bên ngoài. Theo quan điểm của MPC mua trong hay ngoài cũng là một giá, chỉ có sự phân biệt về quản lý chất lượng tốt hơn hay chứng nhận tốt hơn.

Trung tâm Nghiên cứu tôm tại tỉnh Bến Tre để nghiên cứu các mô hình nuôi tôm

Giải đáp về đề xuất xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Tôm và phát triển vùng nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre của Minh Phú. Ông Quang cho biết, trung tâm nghiên cứu này dùng để nghiên cứu các mô hình nuôi tôm. Ví dụ mô hình nuôi tôm mật độ thấp, sức tải phù hợp với môi trường giống kháng bệnh; mô hình siêu thâm canh, thâm cạnh; công nghệ cao; xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ semi-biofloc. Trung tâm này là để nghiên cứu thử nghiệm xong đưa ra quy trình cho Minh Phú sau này. Còn về vùng nuôi sẽ theo mô hình nuôi tôm mật độ thấp vừa sức tải môi trường, chứ không phải nuôi tôm công nghệ cao.

Song song đó là tăng cường gia hóa tôm thẻ vuông và tôm đất. Ông Quang cho biết hiện tại, giống kháng bệnh tôm thẻ chân trắng các công ty sản xuất giống đã có, không cần mất công nghiên cứu thêm, chỉ gia hóa tôm sú. Đây là giống tôm bản địa nhưng không có người gia hóa cải tạo giống nên giống thoái hóa. Giá tôm sú lúc tốt hơn tôm thẻ chân trắng khoảng 40%. Nếu gia hóa tôm sú về bằng với tôm thẻ chân trắng là có lời, đặc tính sinh học tôm sú tốt hơn tôm thẻ chân trắng, chỉ cần phục hồi về 12 - 15 con/kg là hiệu quả. Từ đó, tăng thị phần tôm sú lên 50%, hiện tại thị phần xuất khẩu chiếm 20%.

Về tôm bạc thẻ (tôm thẻ vuông), thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng để làm các món ăn của người Hoa (chẳng hạn như dimsum…). Nhưng con tôm này giá thành cao, không ai gia hóa. Một số khách hàng Trung Quốc chuyển sang mua tôm thẻ chân trắng, một số vẫn trung thành mua tôm thẻ vuông nhưng sản lượng không đủ đáp ứng, cho nên cần gia hóa con tôm thẻ vuông để có đủ sản lượng bán.

Ông Quang cho biết, tôm đất cũng thoái hóa giống, hiện tại sản lượng rất ít. Tại thị trường Nhật Bản, các mặt hàng "snack" hay cơm nắm lại thích dùng con tôm này, nhưng không có hàng. Cho nên hướng đến gia hóa tôm đất, cải tạo di truyền để bán cho thị trường này, hiệu quả sẽ tốt.

Do đó, chiến lược Minh Phú là đưa thị phần tôm thẻ vuông, tôm đất tăng lên chiếm 20%; cộng thêm 50% thị phần con tôm sú nữa là 70%, còn lại khoảng 30% thị phần tôm thẻ trắng.

Đại hội kết thúc, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
15.00 -0.20 (-1.32%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả