Dệt may TNG: Đang đàm phán đơn hàng năm 2025 nhưng đối mặt rủi ro từ khoản phải thu
Mặc dù triển vọng đơn hàng ở mức tích cực nhưng Dệt may TNG (mã cổ phiếu TNG) hiện đối mặt với rủi ro từ khoản phải thu khi khách hàng truyền thống, lớn là The Children's Place đang âm vốn chủ sở hữu.
Kết thúc quý 2/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) ghi nhận doanh thu công ty mẹ đạt 2.174 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất từ trước đến nay của Dệt may TNG.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trong kỳ đạt 86,4 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Dệt may TNG trong vòng gần 2 năm qua.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may TNG, kết quả tăng trưởng tích cực trên chủ yếu đến từ việc công ty tập trung vào các đơn hàng khó, đơn hàng FOB, có giá trị cao trong bối cảnh ngành dệt may đang dần phục hồi cũng như liên tục hợp tác với các khách hàng mới.
Việc làm các đơn hàng khó cũng góp phần cải thiện mạnh biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG lên mức 16%, tăng hơn 400 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, trong quý 2/2023, Dệt may TNG đã phải thực hiện nhiều đơn hàng gia công CMT có giá trị thấp nhằm duy trì công việc trong bối cảnh toàn ngành dệt may thiếu hụt đơn hàng.
Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán DSC, số lượng đơn hàng của Dệt may TNG đã được lấp đầy cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu từ các đối tác hồi phục mạnh. Đáng chú ý, lượng đơn hàng FOB có giá trị cao từ các khách hàng truyền thống của doanh nghiệp này như Decathlon, Asmara hay Columbia Sportswear đã có sự cải thiện trở lại do hàng tồn kho thời trang tại Mỹ có dấu hiệu suy giảm. Hiện Dệt may TNG đã bắt đầu đàm phán đơn hàng cho năm 2025.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng trở lại, Dệt may TNG đang triển khai việc bổ sung thêm 45 chuyền may vào hoạt động (tương ứng tăng 15% công suất) và tuyển dụng thêm 2.000-3.000 nhân công để phục vụ các chuyền may này.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG từ đầu năm 2024 đến nay.
Hiện ngành dệt may Việt Nam nói chung và Dệt may TNG nói riêng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp khi Bangladesh, quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, đối mặt bất ổn chính trị.
Giai đoạn nửa cuối năm là giai đoạn cao điểm xuất khẩu mặt hàng thời trang nên việc các nhà máy dệt may tại Bangladesh đóng cửa sẽ buộc các thương hiệu thời trang phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, trong đó Việt Nam là điểm đến sáng giá nhờ vào năng lực sản xuất tốt và tình hình chính trị ổn định.
Với việc tỷ trọng xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ và EU của Bangladesh là rất lớn, đây là cơ hội để ngành dệt may nước ta mở rộng thị phần tại 2 thị trường trọng điểm này
Đối với Dệt may TNG, giá trị đơn hàng cũng đang phục hồi và dự kiến biên lợi nhuận gộp cả năm nay sẽ đạt mức 15% - tương đương với năm 2022. Đồng thời, với các yếu tố thuận lợi hiện nay, kết quả kinh doanh của công ty năm nay có thể đạt đỉnh lịch sử.
Tuy nhiên, Dệt may TNG cũng đang đối mặt rủi ro từ các khoản phải thu khi khoản mục này đạt mức 1.069 tỷ đồng vào cuối quý 2/2024, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 72% so với quý 1/2024. Trong đó, khoản phải thu từ The Children's Place – khách hàng truyền thống của công ty đã tăng tới 170%, đạt 376 tỷ đồng.
Hiện The Children's Place đang gặp khó khăn về mặt tài chính và đang âm vốn chủ sở hữu. Điều này dẫn đến việc Dệt may TNG có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi khoản nợ trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận