Dệt may, da giày khó "về đích" như dự kiến
Quá nhiều vấn đề khó khăn đang xảy đến với các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày ở thời điểm cuối năm.
Dệt may và da giày vốn là ngành mũi nhọn trong xuất khẩu, nhưng năm nay sẽ khó về đích như dự kiến.
Dệt may "kẹt" thị trường
Trong thông báo từ Bộ Công Thương đưa ra ngày 7/10, cho thấy, cuối tháng 9 nhận được công hàm của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo các mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng đầu.
Theo đó, nhóm đồ lót vượt 75% ngưỡng quy định; nhóm váy, đầm, quần áo phụ nữ vượt 5%. Trong khi nhóm bộ comple, áo jacket, áo khoác thể thao, quần dài...đã đạt 100% mức ngưỡng quy định xuất sang EAEU được hưởng thuế ưu đãi.
Theo quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) về biện pháp phòng vệ ngưỡng với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Tuỳ lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may sẽ bị áp mức thuế MFN (thuế tối huệ quốc) trong 6-9 tháng.
Hồi tháng 3, nhóm hàng áo bó, áo chui đầu, và nhóm váy, quần áo phụ nữ cũng từng nhận được cảnh báo tương tự. Sau đó vào tháng 7, Hội đồng EEC đã quyết định 2 nhóm hàng trên không được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo VN-EAEU FTA khi xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á Âu trong 6 tháng, do vượt ngưỡng quy định xuất khẩu năm 2020.
Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Theo đó, Hiệp định VN-EAEU FTA được ký ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ 5/10/2016.
Da giày giảm kim ngạch xuất khẩu
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), tháng 9, xuất khẩu giày dép chỉ đạt khoảng 700 triệu USD, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu túi xách cũng giảm 48%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 9 giảm gần 24% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu giày dép, túi xách sụt giảm trong những tháng qua do dịch COVID-19 bùng phát trở lại từ đầu tháng 5 đến nay và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam.
80% các nhà máy sản xuất tại khu vực phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang...), nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp sản xuất da giày, đã phải đóng cửa do việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại các địa phương để chống dịch. Đây là số doanh nghiệp chiếm 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tại miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động từ 50-80% công suất và thiếu lao động, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí xét nghiệm, lo ăn, ở "3 tại chỗ" cho người lao động.
Mặt khác, Lefaso cũng nêu nguyên nhân là tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5-10 lần, xảy ra từ năm 2020 đến nay chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao...đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Giống như những ngành sử dụng nhiều lao động khác như dệt may, thuỷ sản... da giày đang phải đối diện với việc thiếu lao động trầm trọng để phục hồi sản xuất trước làn sóng nhiều người bỏ về quê khi các tỉnh phía Nam nới giãn cách xã hội.
Tính chung 9 tháng xuất khẩu giày dép, túi xách vẫn có tăng trưởng dương. Theo đó, tính chung 9 tháng xuất khẩu giày dép đạt hơn 13,3 tỉ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2020, còn túi xách đạt kim ngạch gần 2,24 tỉ USD, giảm 3,7%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của giày dép Việt Nam với tỷ trọng 41%, túi xách 44%. EU đứng thứ 2 với thị phần gần 23% giày dép, 22% túi xách...
Vừa qua, các doanh nghiệp ngành đang phải đối mặt với tình trạng bị đối tác phạt hợp đồng vì giao hàng trễ hơn dự tính ban đầu, chưa kể nhiều đơn hàng cũng bị dịch chuyển. Thông tin được đại diện Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) nêu tại toạ đàm "Chung tay vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày", vừa qua.
Theo một khảo sát mới đây, về tình hình "sức khoẻ" doanh nghiệp ngành này trong tháng 9 của Vitas, Lefaso và Nhóm hợp tác công tư (PPP) thực hiện. Có gần một nửa doanh nghiệp da giày, dệt may tham gia khảo sát cho biết họ chậm giao hàng cho đối tác do các đợt giãn cách xã hội kéo dài, chi phí vận tải, logistics tăng cao khiến thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển tăng gấp đôi (hành trình hàng châu Á qua Mỹ mất 80 ngày, thay vì 40 ngày như trước).
Điều này khiến hơn 68% nhãn hàng phạt doanh nghiệp vì giao hàng chậm. Hơn 12% nhãn hàng huỷ đơn hàng, yêu cầu doanh nghiệp phải đền và khoảng 21% chủ động huỷ, không bắt doanh nghiệp đền bù. Trường hợp đàm phán được giãn thời gian giao hàng với đối tác, doanh nghiệp buộc phải chuyển giao hàng bằng đường hàng không với chi phí rất cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận