menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Hải

Dệt may “cán đích” ấn tượng

Ngành dệt may có nhiều lợi thế để tăng trưởng trong năm 2022.

Mặc dù trải qua một năm 2021 vô cùng khó khăn, nhưng ngành dệt may đã về đích thành công khi đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD. Đặc biệt, trong trạng thái bình thường mới khi nền kinh tế dần hồi phục, dệt may đang trở lại mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2022.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý III/2021, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD kim ngạch, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Cùng với tin vui chung của ngành, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng thông báo kết quả kinh doanh ấn tượng. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết doanh thu và thu nhập hợp nhất năm 2021 ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ, vượt 70% kế hoạch năm và cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cũng đã công bố ghi nhận doanh thu thuần tăng 18%, lên gần 4.977 tỷ đồng và lãi ròng tăng 38%, đạt 214 tỷ đồng.

Nhớ lại thời điểm dịch bệnh căng thẳng cách đây vài tháng, ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 cho biết, đó thực sự là thời gian khó khăn, dù đơn hàng nhiều nhưng năng lực sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” chỉ đạt 50% - 60%, ngoài ra còn phát sinh nhiều chi phí nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tuy vậy, công ty vẫn cố gắng đảm bảo đời sống cho người lao động, trong thời gian thực hiện giãn cách vẫn trả lương tối thiểu vùng và có phúc lợi tốt cho nhân công khi làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”. Nhờ đó, công ty vẫn đáp ứng được đơn hàng giao cho khách. Ngoài ra, do có chính sách tốt cho người lao động trong giai đoạn khó khăn, nên ngay sau khi bình thường mới trở lại, lực lượng lao động của doanh nghiệp đã đạt 85% - 90%. Công ty cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất của năm 2021, doanh thu có tăng so với năm 2020, nhưng lợi nhuận chỉ bằng 80% do chi phí tăng lên từ việc sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đây vẫn là một thành công lớn, khi doanh nghiệp kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định sản xuất, giữ được đà tăng trưởng.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, trong thời điểm chống dịch và sau thời điểm 1/10, ngành dệt may đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam. Để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp đã phải chia sẻ đơn hàng với các đơn vị bạn ở địa phương khác đồng thời thảo luận với khách hàng về giãn cách các đơn hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm nguồn nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp dệt may cũng tích cực tăng cường liên kết với người lao động thông qua các chính sách về lương thưởng, chế độ phúc lợi khác trong quá trình chống dịch và cả trong quá trình mở cửa phục hồi trở lại. Đồng thời thực hiện tái cấu trúc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao và tính toán việc quay trở lại thị trường nội địa.

Theo TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng bộ môn Công nghệ hóa học và vật liệu, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ. Chí Minh, chính những nỗ lực trên đã cho thấy sự linh hoạt, nhanh chóng thích nghi của doanh nghiệp Việt. Có thể thấy, các doanh nghiệp dệt may luôn nỗ lực duy trì sản xuất, tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để tăng trưởng, làm nên thành quả chung của ngành dệt may.

Nhận định về triển vọng của ngành dệt may trong năm 2022, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, ngành này có nhiều lợi thế để tăng trưởng trong năm 2022 như: Lợi thế về chi phí nhân công rẻ và tỷ lệ bao phủ vaccine đang tăng nhanh chóng; Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam, thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU và Mỹ vẫn mở rộng. Cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc sẽ có tác động tích cực khi Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.

VITAS cũng đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2022. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I/2022, kịch bản tích cực nhất kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỷ USD; kịch bản trung bình xuất khẩu đạt 40-41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022; kịch bản kém tích cực nhất là khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến sẽ chỉ đạt 38-39 tỷ USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại