menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn An

Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường lên 150% với hoạt động khai khoáng làm vật liệu xây dựng

Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 164/2016 quy định phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 164/2016 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Thực hiện Luật Phí và lệ phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Qua tổng kết cho thấy chính sách thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đã góp phần vừa đảm bảo thống nhất trong quản lý, vừa tạo sự linh hoạt trong thực hiện chính sách phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Về khung mức phí đối với khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường, tại Nghị định số 164/2016 quy định mức thu phí đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, mức phí từ 1.000 đồng đến 7.000 đồng/m3.

Trong những năm vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Trong đó, nhằm khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông, tại Chỉ thị số 38/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (bao gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông.

Nhằm hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm cả cát trắng để bảo đảm đồng bộ). Mức phí đề xuất từ 1.500 đồng đến 10.500 đồng/m3.

Riêng đối với nhóm khoáng sản “đá nung vôi, làm xi măng và làm khoáng chất công nghiệp theo quy định của pháp luật khoáng sản (Serpentin, barit, bentonit)”, theo quy định của Luật Khoáng sản thì chỉ “đá nung vôi” thuộc khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các khoáng sản còn lại không thuộc khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Vì vậy, để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng 150% mức phí tối đa, giữ mức phí tối thiểu như quy định tại Nghị định số 164/2016 đối với nhóm khoáng sản “đá nung vôi, làm xi măng và làm khoáng chất công nghiệp theo quy định của pháp luật khoáng sản (Serpentin, barit, bentonit)”.

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (trừ phí thu đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thuộc ngân sách trung ương) là khoản thu thuộc ngân sách địa phương. Số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đạt 3.029 tỷ đồng vào 2017 và đạt 3.576 tỷ đồng vào 2020.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức thu phí đối với khai thác cát, sỏi đá làm vật liệu xây dựng thông thường; đá làm xi măng, đá nung vôi và đá làm khoáng chất công nghiệp sẽ hạn chế khai thác đối với loại khoáng sản này và khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo nghị định lần này cũng quy định thực hiện kê khai và nộp phí theo số lượng thực tế khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ nhằm đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp khai thác, tránh gian lận và giảm sự khác biệt trong công tác thu phí giữa các địa phương có cùng đối tượng khoáng sản được khai thác.

Tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm, cát trắng để bảo đảm đồng bộ). Mức phí đề xuất từ 1.500 đến 10.500 đồng/m3.

Về tác động đối với thu ngân sách Nhà nước, theo Bộ Tài chính, đối với nhóm khoáng sản thu được từ việc thực hiện các dự án, công trình xây dựng, giao thông (không áp dụng mức khoáng sản tận thu 60%)... ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ tăng thu 40% từ hoạt động này khi nghị định được ban hành và có hiệu lực thực hiện.

Đối với khung mức phí áp dụng đối với đất, đá, cát sỏi, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; đá nung vôi, đá sản xuất xi măng và đá làm khoáng chất công nghiệp sau khi được dự thảo điều chỉnh sẽ tăng 150% số thu từ khoáng sản này. Theo đó, số thu của các địa phương với khoáng sản này sẽ tăng tương ứng với dự kiến điều chỉnh của dự thảo nghị định.

Ví dụ như tại Nghệ An và Thái Nguyên có số thu phí của năm 2021 đối với khai thác đá nung vôi, đá làm xi măng và đá làm khoáng chất công nghiệp đạt lần lượt là 56 tỷ đồng và 16 tỷ đồng/năm (đang áp dụng mức phí tối đa trong khung hiện hành). Như vậy, nếu áp dụng mức tối đa sau khi điều chỉnh thì số thu sẽ tăng tương ứng là 84 tỷ đồng và 24 tỷ đồng/năm tại mỗi tỉnh. "Đây là nguồn thu đáng kể của ngân sách địa phương để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản", Bộ Tài chính nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại