menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Đề xuất giải cứu bốn dự án BOT bị giảm doanh thu

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ huy động 4.786 tỷ đồng ngân sách nhà nước mua lại bốn dự án BOT bị vỡ phương án tài chính.

Tại dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước khoảng 703 tỷ đồng để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.

Dự án này có vốn đầu tư 836 tỷ đồng, dự kiến hoàn vốn 20 năm; đã thu phí song gặp khó khăn khi các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng tuyến tránh đoạn phía Tây thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đăk Lăk), chạy gần song song với đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, lưu lượng xe trên đường Hồ Chí Minh qua thị xã Buôn Hồ giảm, khiến doanh thu dự án BOT giảm 70-80% so với phương án tài chính. Nhà đầu tư bị thiệt hại nặng.

Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí khoảng 2.049 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng, trạm thu phí đặt tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, được thu phí từ tháng 1/2019. Tuy nhiên, doanh thu dự án này chỉ đạt khoảng 14% so với phương án tài chính. Nguyên nhân là do sau khi dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 39A và dự án xây dựng cầu Hưng Hà vượt sông Hồng bằng ngân sách nhà nước hoàn thành, hầu hết chủ phương tiện đều chọn tuyến đường không thu phí này.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C, Bộ kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí khoảng 1.422 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.

Dự án này đã có ba năm thu phí hoàn vốn, doanh thu đạt khoảng 30% so với phương án tài chính. Nguyên nhân là việc hình thành các tuyến đường mới dẫn đến phân chia lưu lượng, như tỉnh Phú Thọ đầu tư đường tại các huyện Tam Nông và Thanh Thủy bằng nguồn vốn ngân sách nên phương tiện tránh trạm thu phí; bổ sung nút giao IC7 kết nối thành phố Việt Trì với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dẫn đến phân lưu.

Đề xuất giải cứu bốn dự án BOT bị giảm doanh thu
Cầu đường sắt Bình Lợi mới đưa vào khai thác năm 2019. Ảnh: Hữu Khoa
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, bao gồm việc thi công mới cầu sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn khoảng 71 km. Sau khi hoàn thành, công trình cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP HCM, giảm áp lực cho đường bộ.

Tháng 9/2019, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi đã đưa vào khai thác cầu đường sắt Bình Lợi. Riêng hạng mục nạo vét luồng sông Sài Gòn, doanh nghiệp dự án mới hoàn thành công tác thiết kế, chưa thi công vì thiếu vốn.

Theo phương án tài chính, việc hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ áp dụng thu phí phương tiện đường thủy tải trọng hơn 300 tấn tại ba cảng: An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc (Bình Dương). Tuy nhiên, hiện cảng Bến Súc, Rạch Bắp chưa được đầu tư, trong khi cảng An Sơn mới xây dựng một phần. Tỉnh Bình Dương cũng đã điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc mà thay bằng cảng ở vị trí khác. Do vậy dự án khi hoàn thành sẽ không có cảng để thu phí như phương án trước đó.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án thu phí hoàn vốn và tài chính đều không khả thi nên dự án BOT này không thể hoàn thành mục tiêu ban đầu. Bộ đã kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách khoảng 612 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư cũng như hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.

Những vướng mắc của bốn dự án BOT trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định của hợp đồng. Cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục nhưng không khả thi để tiếp tục triển khai hợp đồng. "Nếu các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Việc xử lý vướng mắc của dự án BOT vượt quá thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải do phải bố trí vốn nhà nước để thay thế quyền thu phí hoặc để thanh toán cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Do vậy, Bộ phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại