24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thố Tử Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu: E ngại rủi ro, lũng đoạn thị trường?

Doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế quản lý các đầu mối bằng cách tách khỏi khâu bán lẻ và tổng kiểm tra các doanh nghiệp có nhiều vi phạm

Theo các doanh nghiệp, dự thảo Nghị định mới do Bộ Công Thương xây dựng có một số thay đổi đáng ghi nhận nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ doanh nghiệp đầu mối lũng đoạn thị trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Âu Hải Phát (Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định các thương nhân phân phối không được lấy hàng của nhau như dự thảo cần xem xét ở nhiều khía cạnh. Việc dự thảo trao quyền định giá cho đầu mối là cao hơn so với các quy định của Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80.

Nhưng nếu cho đầu mối được quyền quyết định giá mà không có các quy định ràng buộc về phân chi phí ở các khâu, chắc chắn doanh nghiệp bán lẻ luôn bị chèn ép. Chưa kể, thương nhân phân phối sẽ và bán lẻ sẽ rơi vào tình trạng cụt nguồn hàng nếu các đầu mối không thực hiện việc nhập khẩu theo quy định. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi nhìn vào bài học của năm 2022, hàng loạt đầu mối không nhập hàng khiến thị trường rối loạn, đứt gãy nguồn cung.

Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ, dự thảo nghị định mới còn nhiều lỗ hổng cần được hoàn thiện. Ông Nguyễn Hùng Việt, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hùng Việt cho rằng, dự thảo nghị định mới chưa tháo gỡ được tận gốc vấn đề của thị trường. Điều cốt lõi là phải phân định rõ các khâu nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai cho rằng, dự thảo mới đang trao cho các đầu mối quá nhiều quyền lợi trong khi cấm các thương nhân phân phối không mua của nhau là vô lý.

Theo ông Phụng, doanh nghiệp đầu mối là đơn vị nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp đầu mối đang có sự chênh lệch về tài chính. Các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PV Oil chiếm thị phần lớn nhất tới hơn 70% thị phần. Hơn 20 đầu mối còn lại nắm giữ chưa đến 30% thị phần.

Theo ông Phụng, với Bộ Công Thương, việc cần làm chính là sắp xếp lại thị trường, rà soát và thanh lọc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không đủ năng lực và các thương nhân phân phối sân sau của các doanh nghiệp đầu mối. Đây mới là vấn đề cốt lõi cùa việc ổn định nguồn cung xăng dầu.

“Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải loại đám thương nhân phân phối chân gỗ, sân sau của các đầu mối ra khỏi thị trường, chỉ giữ lại những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc buông lỏng quản lý, để tồn tại các thương nhân phân phối sân sau, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cần xem xét lại”, ông Phụng đề xuất.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn với hệ thống đại lý trải dài nhiều tỉnh phía Nam cho rằng, để thị trường ổn định, ngoài việc sắp xếp lại thị trường, phải có giá chiết khấu đủ lãi cho doanh nghiệp tồn tại, không thể ép doanh nghiệp bán dưới giá thành. Khi đầu mối không nhập khẩu đủ thì không thể đổ lỗi lên thương nhân phân phối. “Dự thảo nghị định cần xem xét bỏ cả cách tính giá vùng 2 hiện nay, đây là một trong những lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu” vị này nói.

Cũng theo vị này, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang rất có vấn đề, chưa kể không được quản lý chặt. Đây là trách nhiệm cần xử lý đối với cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. “Muốn duy trì Quỹ thì phải thay đổi cách quản lý. Tiền phải đưa về một tài khoản chung nào đó để Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quản lý chứ không được để ở doanh nghiệp như hiện nay”, vị này khẳng định.

Quỹ Bình ổn nhiều bất cập, Bộ Công Thương nói gì?

Về việc dự thảo mới của Bộ Công Thương vẫn duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dù có quá nhiều bất cập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định mới, có ý kiến về việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa phù hợp với các quy định của Luật Giá.

Do vậy, cần cơ chế mới thay thế cho cơ chế điều hành hiện tại và cần được công khai, minh bạch để doanh nghiệp dự báo được và quyết định công bố giá theo quy định. Để cụ thể hoá quy định của Luật Giá về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nghị định mới sẽ quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ. Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ quyết định trích lập, chi sử dụng quỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.08 +0.03 (+1.38%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả