24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất cơ chế hỗ trợ mạnh hơn cho năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia, chính phủ cần có các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thực sự tạo bệ phóng cho năng lượng tái tạo.

Với cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu về phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải.

Cam kết đưa phát thải ròng về “0” đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Tuy vậy, tại hội nghị Tổng kết Tháng Năng lượng tái tạo năm 2021 do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức ngày 23/12, các chuyên gia cho rằng, để thực sự tạo bệ phóng cho năng lượng tái tạo, cần có các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
*Xu thế phát triển ít phát thải

Theo báo cáo từ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hội nghị COP26 vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0". Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.

Cùng với đó, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhận định, phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải. Đây cũng là xu hướng chung toàn cầu.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cũng cho rằng, tham vọng của Việt Nam đến năm 2050 sản lượng điện năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện lớn sẽ chiếm 90% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 và đã bắt đầu thực hiện cam kết ngay sau COP26.

Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để đạt phát thải ròng bằng “0” là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, đòi hỏi nỗ lực liên tục, kiên định và sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và toàn dân; cần sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động, bảo đảm hài hòa lợi ích và tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính; nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.

*Khơi dậy tiềm năng

Đề xuất cơ chế hỗ trợ mạnh hơn cho năng lượng tái tạo
Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt trên mái nhà làm việc Công ty Điện lực Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Theo nhận định của bà Đặng Hồng Hạnh, các kịch bản giảm phát thải tham vọng tới 2050 trong các ngành và tiểu ngành sẽ dựa trên các công nghệ giảm phát thải khả thi hiện nay. Hiện vẫn còn khoảng 238 triệu tấn giảm phát thải cần đạt được để đạt mục tiêu Net-Zero, kể cả với các kịch bản tham vọng trong các ngành phát thải khí nhà kính.
Do vậy, trong tương lai, bà Hạnh cho rằng, cần sự đột phá về công nghệ sản xuất điện năng và lưu trữ điện năng quy mô lớn để bảo đảm tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 90% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Đồng thời nguồn năng lượng mới ở quy mô công nghiệp (hydro xanh từ năng lượng tái tạo sử dụng thay thế cho giao thông..., các công nghệ lưu trữ và hấp thụ carbon khả thi với quy mô lớn.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Tấn cho hay, cần tiếp tục khơi dậy tiềm năng, huy động và tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon; thúc đẩy xu hướng chuyển dịch đầu tư cho các ngành kinh tế xanh, carbon thấp sử dụng hợp lý nguồn lực của nhà nước, phát huy nguồn lực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân

“Về vấn đề này, Cục Biến đổi khí hậu mong tiếp tục nhận được hợp tác, đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng và lâu dài này”, ông Tấn nói.

Theo các ý kiến tại hội nghị, việc sửa đổi Luật Điện lực, đẩy nhanh lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, đưa cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo và khuyến khích khích khu vực tư nhân, bao gồm cả khu vực tài chinh ngân hàng để phát triển năng lượng xanh, tái tạo được xem là giải pháp quan trọng để hướng tới phát thải bằng 0.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cần hướng tới xây dựng Luật Năng lượng xanh (gồm cả năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng) tạo khung pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng xanh, tái tạo ổn định thì mới huy động được tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo; từ đó mới thực thi được cam kết Net-Zero và giảm điện than của Việt Nam.

Một điểm quan trọng nữa được TS Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh là việc chuyển đổi chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo từ cơ chế giá ưu đãi FIT (xin-cho) sang cơ chế đấu thầu đổi mới sáng tạo. Tức là đấu thầu khoản khuyến khích của nhà nước cho năng lượng tái tạo theo điều kiện thị trường, trong đó khuyến khích cao hơn đối với hệ thống năng lượng tái tạo tích năng. Cùng với đó, có các chính sách ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích các công cụ tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để phát triển năng lượng xanh, tái tạo.

Bộ Công Thương cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn và ban hành mẫu Hợp đồng mua bán điện PPA trực tiếp và PPA tư nhân để tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo tự tiêu dùng, không qua EVN.

Hiện Chính phủ Việt Nam đã cam kết quốc tế tại COP26, do vậy, ngoài các cơ chế để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, ngân hàng tư nhân cam kết chuyển đổi danh mục đầu tư/cho vay để đạt Net-Zero vào năm 2050../.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả